Phía sau sự vươn lên của Chứng khoán Everest

Nguyễn Ánh| 24/05/2022 11:08

Với vốn điều lệ hiện ở mức 1.000 tỉ đồng, Chứng khoán Everest không phải là một ‘big-name’ về quy mô trên thị trường chứng khoán. Song, ít ai biết rằng, Everest đang sử dụng hiệu quả từng đồng vốn có được, với hiệu suất kinh doanh tốt bậc nhất toàn ngành chứng khoán.

Chứng khoán Everest có hiệu suất kinh doanh hiệu quả bậc nhất toàn ngành chứng khoán năm 2021 (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet

Chứng khoán Everest có hiệu suất kinh doanh hiệu quả bậc nhất toàn ngành chứng khoán năm 2021 (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet

Năm 2021 có thể xem là một năm bước ngoặt, đánh dấu bước chuyển mình của CTCP Chứng khoán Everest (Mã chứng khoán: EVS).

Doanh thu hoạt động gấp ba lần cùng kỳ, đạt hơn 1.100 tỉ đồng. Các hoạt động cốt lõi của một công ty chứng khoán, như doanh thu từ môi giới tăng 257,3% lên 136 tỉ, doanh thu từ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán tăng gần 70% lên 106 tỉ đồng.

Tính tới cuối năm 2021, số lượng khách hàng mở tài khoản giao dịch tại EVS là 11.112 tài khoản, với gần 2.400 tài khoản mở mới trong năm. Giá trị giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư thực hiện đạt gần 110.000 tỉ đồng, tăng 287% so với năm 2020.

Nếu môi giới là hoạt động thể hiện quy mô, tầm vóc của một công ty chứng khoán, thì hoạt động tự doanh thể hiện "cái chất" của doanh nghiệp. Với EVS, hoạt động này còn vượt trội hơn với 643 tỉ đồng doanh thu, nhờ việc nắm giữ những cổ phiếu "dẫn sóng" ngân hàng năm ngoái như NVB hay ACB.

Kết quả này giúp EVS báo lãi ròng hơn 422 tỉ đồng, tương đương với tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 25%, trong nhóm những công ty chứng khoán có hiệu quả sinh lời trên vốn cao nhất thị trường.

Phía sau sự vươn lên của Chứng khoán Everest ảnh 1

Bên cạnh đó, EVS cũng trở thành đối tác Tập đoàn Đèo Cả (DCG). Đặc biệt, EVS còn là nhà phân phối độc quyền trái phiếu cho DCG.

Trong lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như chứng khoán, không có thành công nào là ngẫu nhiên.

Chỉ trong vài năm gần đây, kết quả của việc tái cơ cấu và tăng vốn điều lệ liên tục đã mang lại "trái ngọt" cho EVS. Việc mở rộng quy mô hoạt động, như mảng môi giới, dần đưa cái tên Everest đến gần hơn với số đông khách hàng. Sự đầu tư nghiêm túc và bài bản vào đội ngũ phân tích giúp những nhận định của EVS trong top về chất lượng cao của thị trường, như việc dự báo cổ phiếu dệt may hay thủy sản trong quý I năm nay là một ví dụ. Một điều ít nhà đầu tư chú ý, là EVS nằm trong top 10 công ty có thị phần giá trị giao dịch và môi giới trái phiếu trên HoSE, với 1,4%.

Đằng sau sự thành công này không thể thiếu vai trò của những người đứng đầu. Có vai trò lớn trong sự vươn lên của EVS là Tổng giám đốc Nguyễn Thành Chung. Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là chứng khoán. Trước khi gia nhập EVS, ông Chung từng đảm nhiệm các vị trí điều hành cấp cao tại HDBS, ACBS, VND và PHS.

Trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (IB), ông Lê Minh Khuê, Giám đốc IB EVS, có hơn 16 năm kinh nghiệm tư vấn tài chính doanh nghiệp, từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo khối IB tại VCBS và PSI.

Nối tiếp thành công của năm 2021, quý I năm nay, EVS tiếp tục ghi dấu ấn trong chặng đường phát triển.

Sau ba tháng đầu năm nay, EVS ghi nhận doanh thu hoạt động lên tới hơn 307 tỉ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, EVS ghi nhận lãi hơn 115 tỉ đồng từ lãi bán các tài sản tài chính, so với mức chỉ gần 3 tỷ cùng kỳ năm 2021).

Lãi từ hoạt động cho vay margin đạt hơn 48,02 tỉ đồng, gấp 2,8 lần, nhờ tổng dư nợ cho vay margin tăng mạnh lên gần 1.800 tỉ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cũng tăng đột biến lên gần 85 tỉ đồng, nhờ hoạt động bán lẻ trái phiếu.

Phía sau sự vươn lên của Chứng khoán Everest ảnh 2

Tính đến ngày 31/03/2022, tổng tài sản của EVS đã đạt 3.304,44 tỉ đồng, bằng 2.9 lần giá trị tổng tài sản so với thời điểm cuối quý 1/2021, quy mô tài sản đạt 1.141,87 tỉ đồng. Trong đó, quy mô FVTPL (giá trị danh mục tự doanh) tăng 120%, đạt gần 928 tỉ đồng vào quý I. Vào thời điểm kết thúc tháng 3, công ty nắm giữ lượng tiền mặt gấp 7 lần so với cùng kỳ, đạt 362 tỉ đồng.

Để tăng được quy mô tài sản gấp ba lần, EVS đã liên tục tăng vốn chủ sở hữu lên mức 1.876 tỉ đồng từ mức 850 tỉ đồng cuối quý I/2021. Ngoài ra, công ty cũng phát hành trái phiếu để huy động với tổng giá trị đạt gần 767 tỉ đồng, so với 150 tỉ đồng cùng kỳ 2021.

Những con số này khiến mục tiêu năm nay, dù được đánh giá là tham vọng, không phải là bất khả thi. Ban lãnh đạo EVS kỳ vọng doanh thu hoạt động năm 2022 ở mức hơn 1.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 458 tỉ đồng, tăng lần lượt 63% và 8,5% so với năm ngoái.

EVS cũng tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn thông qua việc chào bán 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên mức trên 2.100 tỉ đồng.

Trong đó, một nửa lượng tiền thu về để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay margin, đầu tư tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán và cung cấp các dịch vụ tài chính khác. Đồng thời, công ty sẽ dành phần còn lại để mua sắm, thuê tài sản cố định nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh./.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phía sau sự vươn lên của Chứng khoán Everest
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO