Phi đội “Hiệp sĩ Nga” và những kỹ năng bay giúp Nga chế tạo tiêm kích hạng nặng

07/07/2021 17:01

QĐND Online – Phi đội “Hiệp sĩ Nga” không những thực hiện kỹ năng bay cao cấp trên tiêm kích hạng nặng, mà còn giúp các nhà chế tạo cho ra đời máy bay chiến đấu thế thệ thứ năm Su-57.

Năm 2021, phi đội “Hiệp sĩ Nga” kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Đây là đội bay duy nhất tại Nga thực hiện những kỹ năng bay cao cấp trên chiến đấu cơ hạng nặng.

“Hiệp sĩ Nga” được thành lập vào năm 1991, khi phi đội không quân số 1 đóng tại Kubinka, ngoại ô Moskva, được trang bị 6 chiếc tiêm kích Su-27 mới xuất xưởng.

Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

“Mục đích chính của việc thành lập phi đội “Hiệp sĩ Nga” là mong muốn giới thiệu những thành tựu của bộ môn dạy lái máy bay trong nước, cũng như tạo dựng hình ảnh mới của nước Nga như là quốc gia cởi mở hướng đến dân chủ và hợp tác, chứ không phải đối đầu”, Tổng biên tập Tạp chí quốc phòng “Vũ khí bảo vệ Tổ quốc” (Arsenal Otechestva), ông Viktor Murakhovsky cho biết.

Theo ông, các “Hiệp sĩ Nga” là những phi công quân sự đầu tiên thực hiện xảo thuật nhào lộn trên những chiếc máy bay chiến đấu thông thường, chứ không phải trên máy bay được chế tạo riêng để trình diễn kỹ năng bay cao cấp. Một điểm khác biệt nữa của họ so với các đối thủ là toàn bộ những thao tác đều được thực hiện ở chế độ hoạt động tối đa, mà không phải ở tốc độ thuận lợi.

Ảnh: Vadim Savitsky/Global Look Press

Chiến thắng đầu tiên và được công nhận ở nước ngoài là lần bay biểu diễn do phi đội “Hiệp sĩ Nga” thực hiện vào mùa thu năm 1991 tại căn cứ không quân Scampton, Vương quốc Anh. Màn trình diễn của các “Hiệp sĩ” đã gây ấn tượng đến mức, người Anh đã đề nghị phi đội này bay qua trên lâu đài Hoàng gia Anh ở Scotland, nơi Nữ hoàng Elizabeth II đang nghỉ ngơi tại đây.

Sau lần biểu diễn đó tại nước Anh, các “Hiệp sĩ Nga” tiếp tục trình diễn tại nhiều nơi khác trên thế giới. Đó là tại Triển lãm hàng không LIMA-1991 ở Malaysia, tại thành phố Portland của Hoa Kỳ năm 1992, tiếp nữa là tại Pháp, Canada, Đông Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, rồi sau đó mới đến Nga. Điều nghịch lý là, mặc dù ra đời năm 1991 tại Nga và có 2 năm biểu diễn khắp nơi trên thế giới, nhưng mãi đến năm 1993 khán giả Nga mới lần đầu tiên được chiêm ngưỡng kỹ năng bay cao cấp của các “nghệ sĩ bầu trời” nước mình.

Những chiếc tiêm kích biểu diễn của “Hiệp sĩ Nga”

Ảnh: Bộ Quốc Phòng/Global Look Press

Kể từ năm 1991, phi đội “Hiệp sĩ Nga” đã nắm vững và trình diễn những kỹ năng bay cao cấp trên máy bay chiến đấu do Tập đoàn “Sukhoi” sản xuất. Các phi công bắt đầu biểu diễn từ những chiếc tiêm kích đa nhiệm có tính cơ động cao là Su-27P, Su-27UB và Su-30SM. Đến tháng 11-2019, ngay trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, các “nghệ sĩ bầu trời” Nga chuyển sang biểu diễn trên những chiếc tiêm kích đa nhiệm mới nhất là Su-35S. Những máy bay này từng xuất trận lần đầu ở chiến trường Syria.

Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Global Look Press

Giữa năm 2020, phi đội “Hiệp sĩ Nga” đã quyết định mở rộng chương trình biểu diễn của mình, bổ sung thêm những màn bay phối hợp với việc thực hiện những kỹ năng bay theo nhóm và bay riêng lẻ phức tạp trên chiến đấu cơ Su-27, Su-30SM và Su-35S. Lần đầu tiên 3 dòng tiêm kích bay trong cùng một đội hình, chương trình bay được thực hiện theo những quãng thời gian nhất định và khoảng cách giữa các máy bay dưới 3 mét.

Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Global Look Press

“Nhờ có những màn biểu diễn của phi đội “Hiệp sĩ Nga” trên những chiếc tiêm kích “Sukhoi”, nên đã có đầy đủ dữ liệu kỹ thuật về hoạt động của máy bay ở những chế độ và tốc độ tối đa trong điều kiện gần bằng với điều kiện chiến đấu. Những dữ liệu này đã được sử dụng để chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, mà trong tương lai sẽ dành cho các phi công giỏi”, Tổng biên tập Tạp chí “Vũ khí bảo vệ Tổ quốc” Viktor Murakhovsky cho biết thêm.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phi đội “Hiệp sĩ Nga” và những kỹ năng bay giúp Nga chế tạo tiêm kích hạng nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO