"Phe vé" truyền thống khó cạnh tranh với “chợ online”

KHÁNH AN| 14/11/2021 17:53

Nhiều "phe vé" quanh sân Mỹ Đình đang rơi vào tình trạng “ế khách” trước sự cạnh tranh từ các chợ vé trên mạng xã hội.

“Thượng đế” ép cả phe vé

Chiều ngày 14.11, ngay trước buổi tập của tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình, các phe vé vẫn đang hoạt động tích cực để “đẩy hàng” trước trận đấu với tuyển Saudi Arabia. "Thiệt hại" nặng nề ở trận đấu ở trận Việt Nam - Nhật Bản ngày 11.11 dường như làm cho giới "phe vé"…dễ tính hơn.

Trước đó, theo ghi nhận của Lao Động trước trận đấu gặp tuyển Nhật Bản (11.11), một số cổ động viên trước giờ bóng lăn còn “đánh đòn tâm lý” với "phe vé". Do đã chuẩn bị trước giấy xét nghiệm COVID-19, các “thượng đế” đợi đến thời điểm chỉ còn 1 giờ đồng hồ nữa là bắt đầu trận đấu mới đi mua vé. Có người còn khoe rằng mình mua chiếc vé có giá gốc 700.000 đồng/vé với giá chỉ…300.000 đồng.

Thị trường “vé chợ đen” tại cổng sân Mỹ Đình rơi vào tình trạng “ế khách
Thị trường “vé chợ đen” tại cổng sân Mỹ Đình rơi vào tình trạng “ế khách". Ảnh: K.A

Do vậy, trước cuộc đọ sức giữa tuyển Việt Nam và tuyển Saudi Arabia, nhiều "phe vé" đang cố gắng bán nhanh nhất có thể thay vì nghĩ đến lợi nhuận. Theo ghi nhận của phóng viên, giá vé tiếp tục giảm sâu ở các mệnh giá. Đặc biệt, với mệnh giá 1,2 triệu đồng/vé, các phe vé chỉ chào ở mức 1 triệu đồng, hoặc thậm chí rẻ hơn. Với các mệnh giá khác rẻ hơn, mức giá cũng đều giảm sâu từ 200.000 - 300.000 đồng/cặp.

Thất bại của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng chỉ là một trong số nguyên nhân dẫn đến sự biến động nói trên. Lo ngại về dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội vẫn là lý do khiến nhiều người e dè đến những nơi đông người như sân vận động.

Khó cạnh tranh với “chợ online”

Khi việc xem bóng đá không đơn giản chỉ là đến sân và ngồi vào chỗ của mình, việc mua bán những tấm vé thời dịch bệnh cũng thay đổi. Nhiều người có xu hướng lựa chọn mua vé qua hình thức trực tuyến của những người thân, quen giới thiệu, thay vì ra tận cổng sân và tiếp xúc với nhiều người khác nhau.

Bên cạnh đó, giá vé mua online cũng không đắt hơn so với giá vé mua trực tiếp của "phe vé" truyền thống. Chẳng hạn, 1 cặp vé mệnh giá 700.000 đồng/vé giờ đây chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/cặp hay 1 cặp vé mệnh giá 500.000 đồng/vé cũng chỉ còn khoảng 600.000 - 700.000 đồng/cặp. 

Nhìn ở một góc độ khác, chính "phe vé" truyền thống thậm chí phải bỏ qua cả lợi nhuận chỉ để thu hồi vốn trước sức ép cạnh tranh của “chợ online”. Nhiều giao dịch mua bán giữa những người quen biết càng diễn ra thuận lợi hơn khi người sở hữu vé có thiện chí bán, người có nhu cầu theo dõi trận đấu cũng không trả giá quá sâu. 

Thực tế, chưa bao giờ mà "phe vé" lại thất thu với các trận đấu của tuyển Việt Nam trong khoảng 3-4 năm nay. Nhưng dịch bệnh một lần nữa đã thay thay đổi tất cả. Không chỉ những tấm vé bóng đá mà nhìn rộng hơn là nhiều mặt hàng tưởng chừng như chỉ gói gọn trong các phương thức giao dịch truyền thống đều xuất hiện “trên mạng”.

Nói cách khác, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến đang dần chiếm lợi thế so với các hình thức truyền thống khác. Ngay cả những giải đấu như  Ngoại hạng Anh, vé "chợ đen" cũng chẳng hiếm gặp, nhưng là "chợ đen trực tuyến".  Đó là xu thế bắt buộc phải xuất hiện với việc khai thác thương mại từ bóng đá, khi các thế hệ cổ động viên ngày càng trẻ tuổi.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Phe vé" truyền thống khó cạnh tranh với “chợ online”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO