Cụ thể, bệnh nhân là N.T.X, ngụ quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Bà X nhập viện vì khó thở, khan tiếng, ho ra máu nhiều, có tiền sử ung thư tuyến giáp di căn hạch đã mổ, cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cách đây 6 năm.
Qua thăm khám và chụp phim CT, các bác sĩ phát hiện khối u xâm lấn vào khí quản, gây hẹp 70% khẩu kính của khí quản. Bệnh nhân được nội soi họng, phát hiện thấy dây thanh âm phía trái bị liệt.
Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực tiến hành cắt đoạn khí quản (3 vòng sụn) kèm theo khối u và tái lập lại lưu thông đường thở bằng phương pháp nối tận khí quản cổ. Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ dồng hồ, bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay sau khi kết thúc phẫu thuật.
Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân thở tốt, không còn ho ra máu, nói rõ hơn, ăn uống, đi lại bình thường và đã được xuất viện. Sau khi ổn định, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Y học hạt nhân.
Bác sĩ Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, đây là một bệnh lý phức tạp vì tổn thương xâm lấn vào khí quản gây hẹp đường thở, xuất huyết khối u nên việc gây mê để đảm bảo thông khí trong mổ rất khó khăn. Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực phải phối hợp nhịp nhàng với khoa Gây mê hồi sức đảm bảo phẫu thuật thành công trường hợp đặc biệt này mà không xảy ra biến chứng nào.
“Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám định kỳ, sàng lọc và phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp để phát hiện sớm những tổn thương, giúp điều trị nhanh chóng, tránh xâm lấn đến khí quản, thực quản, dây thần kinh thanh quản chi phối giọng nói con người hoặc động mạch, tĩnh mạch cảnh gây nên những hậu quả nghiêm trọng như trường hợp bệnh nhân trên”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.