Những thông tin “làm đẹp trả góp” quảng cáo rằng hầu hết các khách hàng trẻ tuổi đều có thể phẫu thuật thẩm mỹ mà không cần trả tiền trước. Nhưng sau đó, các cơ sở thẩm mỹ này tính lãi suất cao hơn đã hứa, khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Mới đây, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc thông báo, những thông tin như thế này sẽ không được phép quảng cáo trên tivi, đài phát thanh hay các kênh trực tuyến khác nữa.
Cơ quan quản lý này cho biết, những quảng cáo này đã khuyến khích khách hàng chi tiêu qúa mức và sinh ra các hình thức lừa đảo dưới danh nghĩa “phẫu thuật miễn phí”, nhưng lại không đề cập đến chi phí lãi suất thực.
Hiện trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, giống như “khoản vay sinh viên” mới bị cấm gần đây. Hôm 28/9, tờ nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc đưa tin về trường hợp một cô gái phẫu thuật thẩm mỹ trả góp nhưng không được thông báo về tỷ lệ lãi suất lên tới 27% mỗi năm.
Lian You, một luật sư ở Bắc Kinh chuyên về các tranh chấp hợp đồng dân sự và thương mại cho biết, việc cấm các quảng cáo phẫu thuật trả góp có thể là một cách hiệu quả để ngăn chặn các công ty đứng sau cơ sở thẩm mỹ. Ông nói thêm rằng, các cơ sở thẩm mỹ thường phối hợp với công ty cho vay rồi sau đó biến mất, để mặc khách hàng với món nợ nặng lãi, chứ họ không phải là bên cho vay.
Bị ảnh hưởng bởi văn hoá thần tượng và các phương tiện truyền thông xã hội, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ vốn được kiểm soát khá chặt của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Công ty tư vấn iResearch dự đoán, ngành công nghiệp này sẽ có giá trị hơn 300 tỷ nhân dân tệ (46 tỷ USD) vào năm 2023. Tuy nhiên, báo cáo của đơn vị này cũng lưu ý rằng hiện chỉ có 13.000 phòng khám hoạt động hợp pháp, trong khi có 80.000 phòng khám chưa được cấp phép.