Sáng 23/1, lễ Tâm tang Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra trong không gian tĩnh lặng của chùa Từ Hiếu (TP Huế). Di thể của một bậc thầy hướng dẫn tâm linh đã nhập kim quan trong sự thổn thức của hàng nghìn phật tử, người dân khắp mọi miền.
Lễ nhập kim quan của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kết thúc từ sáng sớm, nhưng ở một góc sân, bà Bùi Thị Thư (62 tuổi, Hải Phòng) vẫn thiền định. Người phụ nữ luống tuổi muốn hướng về phía kim quan Thiền sư thêm một lúc trước khi về quê.
Sáng hôm qua, bà Thư lên cơ quan thì nghe Sư ông Thích Nhất Hạnh viên tịch, bà vội vã lên đường vào TP Huế dự lễ Tâm tang. Bà Thư muốn có mặt ở thời điểm sư ông "đã về, đã tới".
Sau 5 năm tìm hiểu về cuộc đời, về đạo Bụt của Sư ông, bà Thư hoàn toàn bị chinh phục bởi những điều tưởng như đơn giản nhưng thâm sâu.
"Với sư ông, đạo cũng chính là đời với những bài học rất gần gũi nhưng thấm đẫm triết lý. Sau 5 năm, tôi mới hiểu được vì sao Sư ông được nhiều người ở khắp nơi trên thế giới tôn kính", bà Thư nói.
Chính những bài học được sư ông trao truyền đã giúp bà Thư thức tỉnh, vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời. Chỉ đơn giản như bức thư pháp "Uống trà đi", hay bài học về ái ngữ và lắng nghe đã giúp cuộc sống gia đình bà luôn hạnh phúc, tràn ngập niềm vui.
"Mọi người trong gia đình hãy nói với nhau những lời dịu dàng, tốt đẹp và hãy lắng nghe nhau. Có lắng nghe mới thấu hiểu để rồi mọi trở ngại tan biến, mọi người càng xích lại gần nhau hơn", bà Thư chia sẻ.
Không chỉ bà Thư, hàng trăm người dân, phật tử ở khắp mọi miền đất nước cũng có mặt ở thời khắc di thể của một bậc thầy hướng dẫn tâm linh nhập kim quan. Bà Lã Xuân Tâm (75 tuổi, TPHCM) là một trong số đó.
Cùng 3 người thân đến TP Huế vào lúc nửa đêm, bà Tâm quyết định ở lại chùa Từ Hiếu đợi đến sáng dự tang lễ. Với bà, thời khắc di thể Sư ông Thích Nhất Hạnh nhập kim quan trở nên thiêng liêng. Suốt cả cuộc đời mình, bà Tâm luôn dõi theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vì lẽ đó, khi nghe Thiền sư viên tịch, bà vội vã ra Huế trong đêm.
Trước tiên, tôi ngưỡng mộ trí thức của Sư ông, bà Tâm nói Trí thức của Thiền sư không cao siêu mà thiết thực, đi sâu vào đời sống của mỗi con người. Những bài học của Thiền sư giúp con người thoát khỏi những điều ràng buộc thường tình của cuộc sống. "Những điều đơn giản đó làm tôi kính trọng sư ông", bà Tâm nói rồi lặng lẽ rời chùa Từ Hiếu.
Thông báo từ Tổ đình Từ Hiếu và Tăng thân Làng Mai, Lễ Trà Tỳ (di quan và hỏa táng) sẽ diễn ra vào 7h ngày 29/1/2022. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.
Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp theo như di nguyện của Thiền sư.