Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến "Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu".
Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết những năm qua, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố tương đối đồng đều trên cả nước.
Khu vực đô thị không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn góp phần quan trọng chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết phát triển đô thị tại Việt Nam còn một số hạn chế như số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng đô thị chưa được quan tâm đúng mức; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn.
Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam đang phải đối diện nhiều thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Đây là những thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.
Theo Thứ trưởng Hùng, để phát triển hệ thống đô thị theo hướng nâng cao chất lượng, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, thực tiễn Việt Nam cho thấy quá trình quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị hiện nay còn hạn chế về công tác lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu, thiếu đánh giá, phân tích những tác động của biến đổi khí hậu. Vẫn còn tồn tại các quy hoạch mở rộng xây dựng đô thị vào các khu vực có nguy cơ thiên tai, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị chủ yếu chú trọng về kỹ thuật và tổ chức không gian, chưa chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế đô thị nhằm hỗ trợ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Chính, các giải pháp quy hoạch chủ yếu tập trung khai thác triệt để nguồn lực đô thị, gia tăng sử dụng đất, thiếu chú trọng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
Vì vậy, để phát triển bền vững, giảm thiểu hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ông Chính cho rằng cần có góc nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
Tham luận tại hội thảo, đại diện từ TPHCM cho biết trong quá trình thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Thành phố đã nhận ra một số mặt hạn chế trong việc quy hoạch đô thị, quản lý quy hoạch đô thị cần được khắc phục, điều chỉnh nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Người lao động di cư hiện nay ở Thành phố đa số sống ở xung quanh các khu công nghiệp, các khu nhà trọ lụp xụp, có đời sống vật chất, văn hóa xã hội rất thấp kém bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, cần được tiếp cận các cơ hội về nhà ở, việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục.
Theo đó, vị này cho rằng phát triển đô thị TPHCM cần có giải pháp đối phó với những cú sốc tiếp theo có thể xảy ra, tạo lập khả năng ứng phó kịp thời để có thể sớm phục hồi và thiết lập các trạng thái bình thường mới.
Ngoài ra, theo lãnh đạo TPHCM, từ dịch bệnh Covid-19, cần rút ra những bài học từ thực tiễn về quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng di dân từ các tỉnh khác đến TPHCM, đại diện TPHCM cho rằng cần rà soát, đánh giá hiện trạng phân bố dân cư, nhu cầu ở của người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp, công nhân… để bố trí các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp (ưu tiên phát triển tại các khu vực huyện ngoại thành gần khu vực cửa ngõ từ các tỉnh lân cận vào Thành phố, gần khu công nghiệp…).
Việc lập quy hoạch chi tiết cần nghiên cứu vị trí, bố trí khu đất hợp lý, đầy đủ tiện ích xã hội và đảm bảo giá mua nhà phù hợp với đối tượng thu nhập thấp.
TPHCM cũng cho biết sẽ tăng cường rà soát, thống kê cụ thể về chất lượng nhà trọ, nhà cho thuê trong các khu dân cư hiện hữu, để trong thời gian tới, đề xuất xây dựng những chính sách để hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình có điều kiện cải tạo nhà cho thuê, đáp ứng được các tiêu chí nơi ở.
Đồng thời có chính sách tháo gỡ về thủ tục đầu tư để thu hút các nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà phục vụ lưu trú công nhân mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đáp ứng điều kiện ở và phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, nhồi tầng cao, giảm cây xanh
Theo báo cáo của Chính phủ, công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng tiếp tục được Bộ Xây dựng phủ kín các lĩnh vực. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực như công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, công tác quản lý hoạt động xây dựng...
Đáng chú ý báo cáo nêu rõ việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh cộng đồng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật và diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
Các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung điều chỉnh chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng... dẫn tới gia tăng dân số.
Ngoài ra ở một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt tại các khu vực đô thị trung tâm.
Nguyễn Mạnh