Phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch đặc thù của Thái Nguyên và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc

Thu Hằng (TTXVN)| 12/07/2023 17:51

Ngày 12/7, Hội thảo “Đánh giá hiện trạng, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc thù của Thái Nguyên và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc” đã diễn ra tại tỉnh Thái Nguyên.

Phat huy tiem nang, the manh du lich dac thu cua Thai Nguyen va cac tinh Chien khu Viet Bac hinh anh 1Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Sự kiện do Viện Kinh tế văn hóa phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch và đại diện 6 tỉnh thuộc vùng Chiến khu Việt Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang đã tham dự.

Hội thảo là hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ nghiên cứu Đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc” được triển khai nhằm đưa ra những giải pháp, liên kết, phối hợp giữa các tỉnh để phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Trong đó, phát triển du lịch gắn với 3 mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo tồn các giá trị văn hóa nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương.

Trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Văn Túy, thành viên thuộc Ban Chủ nhiệm Đề tài “Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc” cho biết, Chiến khu Việt Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội. Trong phát triển du lịch, Chiến khu Việt Bắc có tiềm năng thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế, có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, hệ thống di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, bản sắc văn hóa đa dạng… Đây là những giá trị tiềm năng du lịch độc đáo, đặc trưng của vùng Chiến khu Việt Bắc. Du lịch 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng khá cao cùng với sự hình thành một số địa bàn du lịch trọng điểm.

Tuy nhiên, phát triển du lịch khu vực này vẫn chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có của mỗi địa phương, nên còn khá đơn điệu và trùng lặp, thiếu dịch vụ bổ sung. Đặc biệt, công tác liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Ngoài ra, các địa phương chưa có sự đầu tư tương xứng, chưa có những giải pháp hữu hiệu để hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế trong kết nối giữa các địa phương trong vùng và với cả nước để phát triển du lịch.

Phat huy tiem nang, the manh du lich dac thu cua Thai Nguyen va cac tinh Chien khu Viet Bac hinh anh 2Tiến sỹ Trần Văn Túy, thành viên thuộc Ban Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề nội hàm về: sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù, những kinh nghiệm trong nước và quốc tế; hiện trạng phát triển du lịch tại các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc; vị trí vai trò của du lịch trong tổng thể kinh tế xã hội ở địa phương; những chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp để thể chế hóa chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm khai thác, phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch…

Nêu quan điểm về xúc tiến, quảng bá, phát huy sản phẩm du lịch cộng đồng tại vùng Chiến khu Việt Bắc, bà Nguyễn Thanh Bình (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản các điểm đến du lịch cộng đồng ít thành công, chính là sự thiếu hấp dẫn, thiếu ổn định về dịch vụ và hơn nữa là sự thiếu liên kết giữa thị trường khách với các điểm đến du lịch cộng đồng. Bà Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, các điểm đến du lịch cộng đồng thường thụ động trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho công chúng, doanh nghiệp. Điều này cho thấy, ý thức về duy trì chất lượng dịch vụ chưa cao. Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa điểm du lịch cộng đồng với các điểm du lịch khác còn hạn chế nên chưa hình thành được các cụm, tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn…

Bà Nguyễn Thanh Bình nhận định, phát triển du lịch cộng đồng hiện đang phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Do vậy, du lịch cộng đồng muốn phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa. Đó chính là giá trị cốt lõi của du lịch cộng đồng.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, Thái Nguyên là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phat huy tiem nang, the manh du lich dac thu cua Thai Nguyen va cac tinh Chien khu Viet Bac hinh anh 3Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030. Hiện nay, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch, bao gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch thể thao, khám phá hang động mạo hiểm... từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại các tỉnh Việt Bắc, trong đó có Thái Nguyên còn chậm, chưa phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên hướng đến mục tiêu phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để khai thác tiềm năng thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù các tỉnh Chiến khu Việt Bắc, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành, các doanh nghiệp và người dân; có định hướng phát triển cụ thể về sản phẩm, thị trường du lịch, đầu tư, công tác bảo tồn tài nguyên môi trường… cho mỗi địa phương thuộc vùng.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn thu thập ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch ở trung ương và địa phương về hiện trạng phát triển du lịch, về tiềm năng du lịch thế mạnh, về các sản phẩm du lịch đặc thù của các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc. Đồng thời, các đại biểu đánh giá lợi thế, những khó khăn, vướng mắc, để đề xuất ý tưởng, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch trong tương lai.

Thu Hằng

Bài liên quan
  • Ngọn núi 'hớp hồn' dân du lịch
    Nha Trang không chỉ nổi tiếng với những bãi biển xanh mướt, bên cạnh đó còn có một ngọn núi "hớp hồn" dân du lịch mỗi khi muốn check-in thành phố biển từ trên cao.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch đặc thù của Thái Nguyên và các tỉnh Chiến khu Việt Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO