Vùng biển Nam Bộ không chỉ có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú mà còn là nơi sở hữu nhiều giá trị văn hóa biển, đảo đa sắc màu của các tộc người trong cộng đồng cư dân ven biển và các đảo.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển, cầu cho biển lặng, gió hoà, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi may mắn, đánh bắt cá tôm được an hoà. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN
Nhiều nét văn hóa đặc sắc
Mỗi địa phương có biển, đảo ở Nam Bộ đều là nơi hình thành, lưu giữ nhiều nét văn hóa gắn với lịch sử, đời sống của cư dân địa phương. Đó là các giá trị văn hóa tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật, lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, các ngư cụ, cách thức sử dụng ngư cụ và phương pháp đánh bắt thủy sản, những làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực vùng biển. Đây được xem là những tài nguyên du lịch nhân văn rất độc đáo để các địa phương xây dựng, khai thác thành các sản phẩm du lịch đậm nét văn hóa bản địa.
Du thuyền phục vụ du khách tham quan, du lịch biển Phú Quốc trên cửa sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, một trong những nét văn hóa đặc sắc là vùng biển, đảo nước ta có các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh rất đa dạng, phong phú, vừa mang đậm hơi thở của biển, vừa gắn bó chặt chẽ với chiếc nôi văn hóa trên đất liền, là minh chứng cho công lao to lớn của các thế hệ đi trước.
Ở Nam Bộ, nhiều lễ hội dân gian của cư dân vùng biển đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu như Lễ hội nghinh Ông tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Lễ hội nghinh Ông đình Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Lễ hội cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) hay Lễ hội nghinh Ông ở huyện Kiên Hải (Kiên Giang)...
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn - TTXVN
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Lễ hội nghinh Ông tại đình Thắng Tam được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư duy trì từ hơn 100 năm nay, với nhiều nghi thức mang đậm nét đặc trưng văn hóa miền biển. Với tâm thức tri ân cá Ông (cá voi), vị ân nhân lúc tàu, thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển, Lễ hội diễn ra từ ngày 16-18/8 âm lịch hằng năm, gồm hai phần phần lễ và hội. Phần lễ có lễ rước, cúng giỗ, lễ thỉnh sắc thần, cúng tế. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian tái hiện các hoạt động của ngư dân như thi câu cá, đan lưới, kéo co, thi đấu cờ ca rô trên cát, mang đậm nét văn hóa cư dân vùng biển.
Cá Ông được người dân bảo quản tại Lăng Ông Nam Hải, ấp 2, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Nghi thức cúng bái tại lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Trần Đề), tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN
Bên cạnh các lễ hội, cư dân ven biển hay các đảo ở các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều làng nghề, nghề truyền thống gắn với nét văn hóa, tập quán sản xuất lâu đời. Nhiều nghề, làng nghề trong số đó đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm nước mắm Phú Quốc, nghề làm muối ở Bạc Liêu.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Nghề làm muối tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), các xã Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải), phản ánh một phần lịch sử khai phá vùng đất Bạc Liêu trong tiến trình cha ông đi mở đất phương Nam, công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Hạt muối Bạc Liêu xưa thường được gọi là muối Ba Thắc (từ cổ chỉ vùng đất Nam sông Hậu). Ngày nay, muối Bạc Liêu vẫn giữ được nét riêng là hạt muối mặn nhưng không chát đắng mà lại có vị "ngọt hậu". Các diêm dân lý giải, hạt muối Bạc Liêu có hương vị đặc biệt như vậy là do đặc thù điều kiện tự nhiên của vùng đất, vùng biển Bạc Liêu tạo nên.
Khám phá những giá trị khác biệt
Mỗi chuyến đi của du khách đến các vùng ven biển, đảo phía Nam đất nước không chỉ là tham quan, nghỉ dưỡng nơi vùng biển quanh năm ấm áp mà còn có cơ hội trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc gắn với làng nghề, lễ hội, đặc sản ẩm thực của người dân vùng biển.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều lễ hội dân gian đậm dấu ấn văn hóa truyền thống cư dân vùng biển đã được bảo tồn, phát triển thành các lễ hội văn hóa, du lịch, thu hút rất đông du khách về hành hương, tế lễ hằng năm, như: Lễ hội nghinh Ông đình Thắng Tam, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ bà Phi Yến. Du khách đến huyện đảo Côn Đảo, thành phố biển Vũng Tàu hay các điểm đến ven biển các huyện Xuyên Mộc, Long Điền không chỉ cảm nhận được không khí trong lành của biển cả mà còn được tham dự nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, liên hoan mang nét đặc trưng vùng biển.
Lễ hội Dinh Cô (tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) được tổ chức vào ngày 10 - 12/2 âm lịch hằng năm được xem là lễ hội nước lớn nhất vùng biển Nam Bộ đã trở thành một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Du khách đến Long Hải dịp này được trải nghiệm các nghi lễ khác biệt như vào trước ngày chính lễ, tại vùng biển Long Hải có đêm hội hoa đăng, các thuyền tụ lại, mũi thuyền hướng về phía Dinh Cô. Sau đó, vào ngày chính lễ, các ghe, thuyền lại quay hướng ra biển để làm lễ. Chiếc ghe của người dân chài được cho là là đi biển giỏi nhất trong năm sẽ được chọn dẫn đầu, tiếp theo đó, các ghe thuyền nối nhau ra khơi, tiến hành nghi lễ rước cô cùng các vị thần linh, ông bà tổ tiên về dinh. Kết thúc phần lễ, người dân và du khách cùng tham gia các trò chơi dân gian đua thuyền thúng, bắt lươn, hòa giọng trong những làn điệu hò bả trạo của cư dân vùng biển.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng, cùng với nhiều lễ hội truyền thống, để tạo thêm sức hút, điểm nhấn ấn tượng, những năm gần đây, tỉnh tổ chức một số liên hoan, lễ hội như Lễ hội văn hóa ẩm thực Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút lượng lớn du khách đến tham quan thưởng thức các đặc sản ẩm thực được chứng nhận là món ăn tiêu biểu của tỉnh, xem biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại phố biển...
Từ góc độ doanh nghiệp dịch vụ du lịch, ông Dương Hồ Nhật Khôi, Giám đốc Công ty thương mại, dịch vụ, du lịch Ba Xuyên cho biết, trong các chương trình tour đưa du khách đến các địa phương có biển như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng, khám phá văn hóa bản địa, tham quan di tích, lễ hội gắn với cư dân vùng biển, thưởng thức đặc sản luôn là những trải nghiệm để lại ấn tượng sâu đậm với du khách.
Chị Nguyễn Kim Thảo (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Mùa hè năm nay đi du lịch đảo Phú Quốc, bên cạnh tắm biển, nghỉ dưỡng ở ngôi nhà trên cây, hòa mình với thiên nhiên, gia đình chị còn tham quan nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống. Lần đầu tiên, chị được thấy các thùng gỗ to quấn đai mây xanh được sử dụng để ủ cá, biết thế nào là con cá cơm đỏ, cá cơm sọc tiêu, cá cơm than, tìm hiểu quy trình sản xuất cầu kỳ để có sản phẩm nước mắm chấm thơm ngon. Đây là những trải nghiệm rất thú vị”./.
Thanh Trà