Ngày 28/9, các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết họ đã tìm thấy 2 bức tranh tường bằng đá từ thời Bắc Tống (960-1127) tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, và đây là bức tranh lớn nhất dạng này được tìm thấy tại Trung Quốc từ trước đến nay.
Các nhà khảo cổ phát hiện 2 bức tranh trên tại khu di chỉ Châu Kiều ở thành phố Khai Phong. Tranh được chạm khắc với các hoa văn mang ý nghĩa tốt lành trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc như hạc bay và những đám mây...
Hai bức tranh được bố trí cân xứng dọc bờ Bắc và bờ Nam ở phía Đông của cầu Châu Kiều và đều có chiều cao 3,3m. Chiều dài bức được khai quật ở bờ Nam là 23,2m, trong khi chiều dài bức ở bờ Bắc là 21,2m.
Ông Zhou Runshan, người đứng đầu dự án khai quật, cho biết tổng chiều dài của 2 bức tranh này có thể lên tới 100m và tổng diện tích chạm khắc vào khoảng 400m2.
Giáo sư Zheng Yan tại Trường Nghệ thuật thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định rằng về quy mô, chủ đề và phong cách, các bức tranh tường bằng đá này biểu trưng cho những tác phẩm nghệ thuật đạt tiêu chuẩn cao nhất trong nghệ thuật chạm khắc đá và phản ánh trình độ chạm khắc tinh xảo nhất trong triều đại Bắc Tống.
Giáo sư Zheng nhấn mạnh thêm rằng việc tìm thấy 2 bức tranh lớn chưa từng có này là khám phá quan trọng góp phần viết lại lịch sử nghệ thuật của triều đại nhà Tống.
Cầu Châu Kiều được xây dựng từ năm 780-783 dưới triều đại nhà Đường (618-907) bắc qua kênh Đại Vận Hà, một tuyến đường thủy rộng lớn kết nối các khu vực miền Bắc và miền Nam của Trung Quốc.
Cây cầu này là một công trình quan trọng ở trục trung tâm của thành phố Khai Phong và bị bùn cát vùi lấp vào năm 1642 do trận lũ tàn khốc trên sông Hoàng Hà. Hoạt động khai quật khảo cổ học tại khu di chỉ Châu Kiều bắt đầu được tiến hành vào năm 2018.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật tổng cộng 4.400m2 tại khu vực này, qua đó tìm thấy 117 di tích và tàn tích./.