Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa phát hiện một khu vực được người Sa Huỳnh cổ sử dụng làm muối. Khu vực này nằm trong không gian Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh
Khu vực này được gọi là trảng muối, có niên đại khoảng 2.000 năm. Trảng muối có diện tích khoảng 10ha thuộc thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Người Sa Huỳnh cổ tận dụng nền đá cùng nguồn nước biển sẵn có để làm muối sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Khi triều cường lên, nước biển chảy vào các hồ chứa tự nhiên bên bờ biển. Ánh nắng làm cho nước trong hồ bốc hơi, tăng độ mặn của phần nước còn lại.
Sau đó người Sa Huỳnh cổ lấy nước trong hồ chứa đổ vào ruộng muối. Ruộng muối là các ô nhỏ trên mặt đá, vốn là những chỗ trũng tự nhiên hoặc được người dân dùng đất sét be bờ mà thành.
Khoảng 3 ngày sau, nước biển trong các ô đá bốc hơi kết tinh tạo muối trắng. Trung bình một ô đá thu được 2-3kg muối.
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, trong quá trình nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến kỹ thuật làm gốm, muối của người Sa Huỳnh.
Trước đây, các nhà khảo cổ chỉ khai quật được mộ chum và di tích Long Thạnh chứ chưa phát hiện dấu vết nghề làm muối.
Vì vậy, phát hiện về nơi làm muối trên đá của người Sa Huỳnh cổ có ý nghĩa lớn, là căn cứ quan trọng để so sánh khu vực làm muối của cư dân tiền sử Sa Huỳnh và các vùng làm muối ở khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục thu thập mẫu hiện vật để phân tích tìm niên đại chuẩn của nghề làm muối. Việc phân tích có thể bắt đầu từ các mẫu sò thu thập được tại các trảng muối, hoặc phân tích thạch học để biết cấu trúc mặt nền của trảng muối, độ mài mòn của đá.