Nhóm nghiên cứu quốc tế đã đặt cho loài quái thú mới là Bustingorrytitan shiva, dựa theo tên thần Shiva của Hindu giáo, được tôn thờ như vị thần hủy diệt, sáng tạo và tái sinh.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu phương Tây còn gọi Bustingorrytitan shiva với một biệt danh khác là "Kẻ hủy diệt", theo Live Science.
Bustingorrytitan được ghép từ họ của nông dân Manuel Bustingorry, chủ mảnh đất mà loài quái thú yên nghỉ, với "Titan" - là tên nhóm thần khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp.
Theo bài công bố trên Acta Palaeontologica Polonica, Bustingorrytitan shiva là một trong những loài thằn lằn hộ pháp (Titanosaurs) lớn nhất từng được ghi nhận trên thế giới, với trọng lượng cơ thể khi còn sống ước tính lên tới 67 tấn.
Loài thằn lằn hộ pháp lớn nhất thế giới là Argentinosaurus, vốn có trọng lượng khoảng 70 tấn.
Thằn lằn hộ pháp là nhánh khổng lồ nhất trong dòng họ Sauropod, một nhóm khủng long lớn đặc trưng bởi cổ dài, thân hình to và nặng, 4 chân cồng kềnh như cột đình, đuôi dài và nặng nề không kém.
Tuy khổng lồ nhưng Sauropod là loài ăn cỏ.
Theo TS María Edith Simón, nhà cổ sinh vật học đứng đầu nhóm nghiên cứu quốc tế, phát hiện về quái thú này ở khu vực gọi là Bắc Patagonia ở miền nam Nam Mỹ, chứng minh rằng nơi đây đúng là lãnh địa của nhóm thằn lằn hộ pháp ngoại cỡ, với trọng lượng cơ thể trên 50 tấn.
Patagonia là một khu vực địa lý bao gồm phần cực nam của Nam Mỹ, bao trùm một phần diện tích Argentina và Chile. Trong đó, quái thú "Kẻ hủy diệt" nằm ở phần Patagonia thuộc tỉnh Neuquén của Argentina.
Phần hài cốt đầu tiên lộ ra từ năm 2000 nhưng các nhà cổ sinh vật học đã mất rất nhiều năm để khai quật những chiếc xương khổng lồ và phân tích chúng.
TS Simón cho biết bà chịu trách nhiệm về phòng thí nghiệm và khu vực nghiên cứu tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Ernesto Bachmann ở gần đó vào thời điểm quái thú lộ diện, vì vậy đã tổ chức khai quật từ năm 2001.
Qua nhiều năm, họ đã tìm thấy hài cốt của ít nhất 4 cá thể thuộc loài mới, bao gồm một bộ xương tương đối hoàn chỉnh và 3 mẫu vật chưa hoàn thiện.
Loài quái thú mới này đến từ Hệ tầng Huincul có niên đại từ 93 triệu đến 96 triệu năm tuổi, cũng là nơi "vua quái vật" Argentinosaurus được tìm thấy.
Như vậy, nó cũng là một đại diện của thời đại hoàng kim của loài khủng long: Kỷ Phấn Trắng.
Dòng dõi quái thú này được cho là tồn tại cho đến tận cuối kỷ Phấn Trắng, khi tiểu hành tinh Chicxulub va chạm Trái Đất và chấm dứt sự tồn tại của tất cả khủng long, dực long, thương long, ngư long... cổ đại.