Theo nghiên cứu được công bố trên AGU Advances, đề xuất phương án có thể tìm thấy chiếc máy bay sau gần một thập kỷ mất tích. Và câu trả lời chính là dựa vào những cá thể hà biển bám quanh các mảnh vỡ máy bay được phát hiện trước đó khi trôi dạt vào đảo Reunion của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương.
Một năm sau vụ tai nạn, nhà địa chất học Gregory Herbert của Đại học Nam Florida vô tình nhìn thấy bức ảnh về những mảnh vỡ trôi dạt vào đảo Réunion ngoài khơi châu Phi. Trên đống đổ nát, ông nhìn thấy những con hà bám quanh nó và nảy ra ý tưởng dựa vào chúng để xác định vị trí gặp nạn của MH370.
“Các mảnh vỡ được bao phủ bởi hà biển và ngay khi nhìn thấy điều đó, tôi ngay lập tức bắt đầu gửi email cho các nhà điều tra vì tôi biết phân tích địa hóa học trên vỏ của chúng có thể cung cấp manh mối về vị trí vụ tai nạn", nhà địa chất học Gregory Herbert của Đại học Nam Florida cho biết.
Hà biển là một loài giáp xác nhỏ, ký sinh trên thành tàu, các tảng đá hoặc trên thân của cá voi. Vỏ hà phát triển hàng ngày, mỗi lớp được đặt xuống sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ của nước. Chính vì vậy, thông qua quá trình nghiên cứu thời gian hình thành của vỏ hà, các chuyên gia có thể tính toán nhiệt độ nước chứa trong hà và so sánh nó với mô hình hải dương học. Từ đó, theo dõi đường đi của hà cũng như phần cánh mà chúng bám vào để tìm ra vị trí rơi máy bay.
Thế nhưng, những con hà có trong đợt thu thập lại không bám vào mảnh vỡ ngay sau tai nạn, mà chỉ mới bám vào trong thời gian gần đây. Vì vậy, giới nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra những lập luận chính xác về địa điểm hiện giờ của MH370.
"Nhà khoa học người Pháp Joseph Poupin, một trong những nhà sinh vật học đầu tiên kiểm tra mảnh vỡ và kết luận rằng những con hà lớn nhất có thể đã đủ tuổi để cư trú trên đống đổ nát ngay sau vụ tai nạn và rất gần với vị trí thực tế máy bay rơi." Herbert nói.
“Đáng tiếc là những con hà lớn nhất và lâu đời nhất vẫn chưa được tìm thấy. Nhưng với nghiên cứu này, chúng tôi hoàn toàn chứng minh được rằng phương pháp truy vết có thể được áp dụng cho những con hà bám trên mảnh vỡ ngay sau vụ tai nạn để tái tạo lại đường trôi dạt hoàn chỉnh từ nơi máy bay rơi”, Ông nói thêm.
Chuyến bay 370 của Malaysia Airlines là một chuyến bay quốc tế của hãng hàng không Malaysia Airlines đi từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8.3.2014. Tuy nhiên, chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, nó đột ngột biến mất trên bầu trời khi bay qua Biển Đông và mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Kể từ đó, MH370 được xem sự kiện bí ẩn nhất của ngành hàng không thế giới.
Theo ghi nhận, toàn bộ 227 hành khách cùng 12 phi hành đoàn được cho là đã thiệt mạng trên chuyến bay xấu số.
Cuộc tìm kiếm MH370 kéo dài suốt 4 năm trên quy mô rộng lớn, chưa từng có tiền lệ, với sự tham gia của hàng chục quốc gia trên thế giới, điều động những phương tiện tìm kiếm tối tân nhất và tiêu tốn số tiền "khổng lồ" trong chiến dịch tìm kiếm MH370 giữa vùng Ấn Độ Dương rộng lớn. Nhưng hành trình chính thức dừng lại vào năm 2017 mà không có bất kỳ dấu vết nào.