Một người dân sống tại ngôi làng ở ngoại ô thành phố Bhadrak (bang Orissa, Ấn Độ) đã gọi điện cho các chuyên gia bắt rắn, khi người này nhìn thấy một con rắn bò vào góc nhà và biến mất.
Khi các chuyên gia bắt rắn đến nơi, họ đã mất khá nhiều thời gian lùng sục và phát hiện một con rắn hổ mang non chui vào khe hở dưới nền nhà. Các chuyên gia nhận định rằng có một ổ rắn hổ mang dưới nền nên đã đục nền và tường của ngôi nhà để tìm kiếm những con rắn độc.
Sau quá trình tìm kiếm khá vất vả, các chuyên gia bắt rắn đã tóm gọn một cá thể rắn hổ mang cỡ lớn và 9 con non của nó. Mặc dù đây chỉ là những con rắn hổ mang non mới nở, chúng vẫn sở hữu nọc độc không thua kém gì rắn trưởng thành và có thể giết chết con người chỉ bằng một nhát cắn.
Rắn độc sẽ sở hữu tuyến độc và răng nanh ngay khi mới nở. Nanh độc của rắn sẽ được thay dần trong quá trình trưởng thành của con vật.
Các chuyên gia cho rằng rắn mẹ đã trườn vào khe nứt bên dưới nền nhà để làm tổ và đẻ trứng, cho đến khi rắn non nở ra. Rất may các chuyên gia bắt rắn đã tóm gọn ổ rắn trước khi có người bị cắn.
Những con rắn hổ mang này sau đó đã được trả tự do tại một khu vực cách xa nơi con người sinh sống.
Những con rắn trong sự việc kể trên được xác định là các cá thể rắn hổ mang Ấn Độ. Đây là một trong "tứ đại rắn độc" tại Ấn Độ, bao gồm 4 loài rắn độc gây ra nhiều ca tử vong nhất cho con người tại quốc gia này, bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa.
Rắn hổ mang Ấn Độ có kích thước vừa phải, chiều dài đạt từ một đến 1,5m, có trường hợp dài đến hơn 2m nhưng hiếm gặp. Rắn hổ mang Ấn Độ thường ăn các loài động vật gặm nhấm, cóc, ếch và các loài rắn khác.
Do chế độ ăn uống và săn bắt chuột nên loài rắn hổ mang này thường xuất hiện tại các khu vực sinh sống của con người, dẫn đến nhiều vụ rắn cắn do hổ mang Ấn Độ gây ra. Tuy nhiên, loài rắn này lại được tôn kính trong văn hóa và tôn giáo tại Ấn Độ.
Theo ITN