Tại vùng biển Clarion-Clipperton ở Thái Bình Dương, nằm giữa Mexico và Hawaii, các nhà khoa học đã phát hiện ra những sinh vật vô cùng kỳ lạ. Chúng có cuộc sống hoàn toàn khác nhau nhưng cùng chung sống dưới những vực thẳm của biển sâu, nơi vĩnh viễn chìm trong bóng tối.
Đây là một trong những vùng biển ít được con người tìm hiểu nhất, với ước tính chỉ 1/10 số loài vật ở đây được biết đến.
Ở một độ sâu nhất định, đại dương trở nên cực kỳ khó chịu đối với loài người. Áp lực nước có thể đè bẹp con người, ánh sáng mặt trời không thể chạm tới khiến vùng nước này chỉ là bóng tối vĩnh cửu. Nơi đây, nhiệt độ cũng chỉ cao hơn mức đóng băng vài độ C.
Tuy nhiên, nơi nào con người không đến được thì công nghệ vẫn có thể làm thay. Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ Trung tâm Hải dương học quốc gia Anh đã sử dụng một con tàu điều khiển từ xa lặn xuống độ sâu từ 3.500 đến 5.500 mét ở vùng biển Clarion-Clipperton.
Cuộc sống ở độ sâu này không dễ dàng. Các sinh vật ở đây chủ yếu dựa vào chất hữu cơ (phù du) rơi xuống từ các tầng đại dương bên trên, một hiện tượng gọi là tuyết biển. Vì vậy, phần lớn sự sống ở đây chủ yếu tồn tại nhờ khả năng chắt lọc nguồn cung cấp thực phẩm ít ỏi này.
Một trong những khám phá bất ngờ nhất trong chuyến thám hiểm là loài hải sâm trong suốt thuộc họ Elpidiidae.
Bức ảnh trên do tàu lặn điều khiển từ xa chụp, cho thấy rõ đường tiêu hóa của con vật đầy ắp thức ăn. Nó cũng có một chiếc đuôi dài với hình dáng kỳ lạ, giúp nó bơi lội dễ dàng.
Các sinh vật khác ở đây còn có loài thân lỗ mảnh mai có hình dạng như chiếc cốc, là loài động vật có tuổi thọ lâu nhất từng được biết đến trên Trái Đất, sống đến 15.000 năm. Ngoài ra, vùng biển này còn có các loài giáp xác hình dạng gần giống con sâu, sao biển, san hô, hải quỳ và lợn biển màu hồng.
Lợn biển là một loài hải sâm biển sâu, cũng thuộc họ Elpidiidae. Chúng bụ bẫm, múp míp và thường có màu hồng. Chúng di chuyển bằng những đôi chân mập mạp nhỏ nhắn đáng yêu.
Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu thêm về những sinh vật kỳ lạ này, bởi sự sống dưới đáy đại dương cực kỳ đa dạng và chúng ta hầu như chưa biết gì về nơi đây.
Vùng biển Clarion-Clipperton đã từng được khai thác mỏ, một hoạt động có thể tàn phá môi trường sống của sinh vật biển sâu. Theo các nhà nghiên cứu, hiện có khoảng 30% các khu vực biển nằm trong diện bảo vệ, nhưng cần xác định thêm để biết liệu đã đủ để bảo vệ những sinh vật biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng hay chưa.