Loài hoa phong lan có tên Gastrodia agnicellus được phát hiện đầu năm nay dưới tán lá cây sẫm màu ở nền rừng Madagascar. Cây phong lan nhỏ màu nâu trải qua phần lớn thời gian dưới lòng đất và không có lá, chỉ nhô lên mặt đất để mọc một quả và phát tán hạt.
Cây phong lan Gastrodia agnicellus. (Ảnh: Rick Burian).
Theo nhà nghiên cứu Johan Hermans ở Vườn bách thảo Hoàng gia tại Kew, London, người phát hiện loài cây mới, tên gọi "agnicellus"của nó đến từ tiếng Latinh, có nghĩa là "con cừu nhỏ" do cây có rễ củ nhiều lông mịn. "Với một chút trí tưởng tượng, bạn gần như có thể thấy lưỡi cừu bên trong bông hoa", Hermans nói.
Giống như phần lớn cây phong lan, G. agnicellus là cây lưu niên, có nghĩa nó có thể tồn tại nhiều năm và có quan hệ cộng sinh với một loài nấm. Trong khi nhiều loài khác chỉ phụ thuộc vào cây nấm cộng sinh để lấy thức ăn ở đầu vòng đời, G. agnicellus không có bất kỳ tế bào nào để quang hợp nên phải dựa vào nấm trong suốt vòng đời của nó.
Hermans cho rằng cây phong lan có mùi khó ngửi, bởi hầu hết thực vật có hình dáng giống như đang phân hủy kiểu này thường tỏa ra mùi thịt rữa để thu hút côn trùng thụ phấn tới giúp chúng sinh sản. Hermans và đồng nghiệp vẫn chưa biết rõ G. agnicellus thụ phấn bằng cách nào. "Cây phong lan đặc biệt thông minh về mặt thích nghi, vì vậy chắc hẳn G. agnicellus phải tìm ra một cách độc đáo để sinh tồn", Hermans nói.
Loài cây mới được tìm thấy ở một vạt rừng nhỏ của Madagascar. Các nhà nghiên cứu cho rằng phạm vi sinh sống của nó đang ngày càng thu hẹp do hoạt động nông nghiệp và cháy rừng gia tăng trong khu vực. Do đó, G. agnicellus được phân loại là loài nguy cấp.
Theo VnExpress