Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hố đen vô cùng hiếm gặp, nằm trong một ngân hà gần kề với Dải Ngân Hà của chúng ta.
Hố đen "đặc biệt” này dường như đang tạm ngưng hoạt động và cũng không có dấu hiệu cho thấy nó được sinh ra từ vụ nổ của một ngôi sao đang chết đi, như quy luật thông thường mà chúng ta đã biết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hố đen này khác biệt hoàn toàn so với bất cứ hố đen nào từng được phát hiện cho tới nay do nó rất yên ắng. Hố đen không phát ra các tia X quang mạnh, dấu hiệu cho thấy nó đang hút các vật chất ở gần đó nhờ lực hấp dẫn cực mạnh.
Hố đen thường được biết tới như các vật thể siêu đặc, có lực hấp dẫn mạnh tới mức ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi nó. Hố đen đặc biệt vừa được tìm thấy có khối lượng lớn gấp 9 lần Mặt trời của chúng ta. Nó nằm trong tinh vân Tarantula của thiên hà Magellanic Lớn và cách Trái đất khoảng 160,000 năm ánh sáng. 1 năm ánh sáng là khoảng cách ánh sáng di chuyển được trong một năm, khoảng 9,5 nghìn tỷ km.
Một ngôi sao xanh cực sáng và nóng, với khối lượng lớn gấp 25 lần Mặt trời cũng được tìm thấy với quỹ đạo xoay quanh hố đen. Hiện tượng này còn được gọi là hệ hai thiên thể (hiện tượng xảy ra khi hai thiên thể ở quá gần nhau và lực hấp dẫn sẽ khiến chúng xoay vòng quanh nhau). Hệ hai thiên thể này có tên gọi VFTS - 243. Các nhà nghiên cứu tin rằng ngôi sao xanh sẽ dẫn trở thành một hố đen khác và nó kết hợp với hố đen đang có.
Các hố đen "bất hoạt", dù khá phổ biến lại rất khó phát hiện do chúng không tác động nhiều lên các vật thể xung quanh. Đã có nhiều hố đen từng được đưa vào nhóm tạm ngưng hoạt động nhưng sau đó lại bị loại bỏ.
Tomer Shenar, một nhà nghiên cứu tại Đại học Amsterdam, cho rằng tìm kiếm các hố đen dạng này giống như việc “mò kim đáy bể”.
“Đây là hố đen tạm ngưng hoạt động đầu tiên được phát hiện sau khi các nhà thiên văn đã tìm kiếm suốt nhiều thập kỷ," nhà thiên văn học Kareem El-Badry, người là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết./.