Hệ thống bẫy ảnh lắp đặt tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Ngọa Long (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) vừa ghi lại những hình ảnh và đoạn video của một cá thể gấu trúc sở hữu bộ lông trắng hoàn toàn, thay vì màu lông đen trắng đặc trưng.
Đoạn phim cho thấy con gấu trúc trắng này tiến lại gần để tìm cách giao tiếp với 2 mẹ con gấu trúc khác trong Khu bảo tồn, tuy nhiên, gấu trúc mẹ đã thể hiện sự đề phòng và dẫn con mình rời xa khỏi kẻ lạ mặt.
Sau khi gấu trúc mẹ dẫn con rời đi, gấu trúc trắng đã tiến lại vị trí mà 2 mẹ con đã nằm trước đó để đánh hơi. Theo các chuyên gia về động vật, gấu trúc cái hoang dã trong thời gian chăm con sẽ rất hung dữ khi bị những con gấu trúc trưởng thành khác tiếp cận.
Những hình ảnh từ đoạn clip cho thấy con gấu trúc trắng dường như chỉ muốn kết bạn, thay vì thể hiện sự đe dọa.
Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống bẫy ảnh chụp lại được hình ảnh của cá thể gấu trúc trắng hoàn toàn này.
Trước đó, vào tháng 4/2019, hệ thống bẫy ảnh tại Khu bảo tồn Ngọa Long cũng đã chụp lại được hình ảnh của con gấu trúc đặc biệt này. Vào thời điểm đó, các chuyên gia nhận định con gấu trúc chỉ mới được khoảng 2 tuổi.
Các chuyên gia động vật cho biết con gấu trúc trắng toàn thân này bị mắc chứng bạch tạng, một tình trạng cực kỳ hiếm gặp đối với loài gấu trúc và họ tin rằng đây là cá thể gấu trúc trắng toàn thân duy nhất trên thế giới.
Gấu trúc được coi là "Báu vật quốc gia" tại Trung Quốc, là loài đặc hữu của nước này. Gấu trúc sống chủ yếu tại các khu rừng trên vùng núi cao phía tây nam Trung Quốc.
Thức ăn chính của gấu trúc là tre. Một con gấu trúc trưởng thành tiêu thụ trung bình từ 12 đến 40kg tre mỗi ngày, tùy thuộc vào loại tre mà nó ăn.
Gấu trúc non mới sinh có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng 1/900 kích thước của mẹ. Nhưng khi trưởng thành, gấu trúc cái có thể nặng 100kg và con đực có thể nặng 150kg. Dù có thân hình đồ sộ và nặng nề, gấu trúc là loài leo cây rất giỏi.
Gấu trúc được chọn làm biểu tượng của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) kể từ khi tổ chức này được thành lập từ năm 1961. Vào thời điểm đó, có 1.864 con gấu trúc sống trong tự nhiên và gấu trúc được xếp loại động vật nguy cấp cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp bảo vệ hiệu quả, hiện số lượng gấu trúc trong tự nhiên đã tăng trở lại. Đến năm 2017, WWF đã chuyển gấu trúc từ nhóm động vật nguy cấp sang nhóm dễ bị tổn thương. Ước tính hiện có khoảng 2.060 gấu trúc đang sống trong tự nhiên.
Vì sao gấu trúc chỉ có 2 màu đen và trắng?
Các nhà khoa học hiện vẫn đang tranh cãi lý do vì sao gấu trúc chỉ có 2 màu lông trắng và đen trên cơ thể.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học California vào năm 2017, màu lông trắng giúp gấu trúc ẩn mình trong môi trường sống đầy tuyết; còn lông màu đen giúp chúng lẩn trốn trong bóng râm.
Do gấu trúc có chế độ ăn uống nghèo nàn là tre, nó không thể dự trữ đủ chất béo để ngủ đông như một số loại gấu khác. Gấu trúc hoạt động quanh năm, băng qua các khoảng cách xa và sống trong nhiều môi trường sống đa dạng khác nhau, từ núi tuyết đến rừng nhiệt đới.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi và chưa có được sự thống nhất của các nhà khoa học khác về lý do gấu trúc chỉ có lông màu đen và trắng.
Theo CGTN/ST