Ngày 16/5, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, cho biết đàn voọc vừa được bẫy ảnh chụp, quay lại tại khoảnh rừng Ya Mô, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Theo ông Thủy, loài voọc bạc được phát hiện lần cuối vào khoảng 5 năm trước. Sự xuất hiện trở lại của đàn voọc bạc có ý nghĩa về thực tiễn và bảo tồn nguồn gen. Sắp tới, đơn vị dự kiến sẽ lập chuyên đề điều tra để xác định số lượng đàn, con và nguồn gốc, khu vực sinh sống của chúng.
Voọc bạc (nhóm IB) hay còn gọi là voọc Đông Dương (tên khoa học: Trachypithecus germaini caudalis) phân bố ở vùng Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, loài này được ghi nhận tại các vùng: Tây Nguyên, miền Trung, vùng Đông Bắc, Trường Sơn và một số khu vực ở Nam Bộ. Hiện trạng voọc bạc ở Việt Nam chưa xác định được.
Loại voọc bạc đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng ở mức nguy cấp. Số lượng loài này được cho là đã suy giảm hơn 50% trong vòng 36 năm qua, dưới tác động của việc săn bắt và mất nơi cư trú.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray rộng hơn 56.000ha, nằm trên địa bàn huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi (Kon Tum), giáp Lào và Campuchia. Vườn có hơn 1.000 loài động vật, trong đó, có 112 loài quý, hiếm, đặc hữu.
Ngoài hàng trăm loài gỗ quý, vườn có 425 loài cây dược liệu có giá trị, trong đó, 18 loài có trong danh mục sách đỏ cây thuốc Việt Nam.
Với đặc điểm đa dạng sinh học và nhiều nguồn gen quý, năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là di sản ASEAN.