Ou Hongtao, một khách hàng đến ăn tại nhà hàng ở thành phố Lạc Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc tình cờ phát hiện ra sự thật gây sốc ngay trong sân.
Phát hiện dấu chân khủng long 100 triệu năm tuổi dưới sàn nhà |
Với đôi mắt 'sắc bén', người đàn ông đã phát hiện ra nhiều vết chân kỳ lạ. Trước khi địa điểm này trở thành nhà hàng, thì đó là một trang trại gà. Dấu chân kỳ lạ bị nhiều lớp đất và cát che lấp, nhưng chính điều này cũng bảo vệ chúng khỏi sự xói mòn và tác hại của thời tiết.
Chủ sở hữu nhà hàng sau khi thuê lại khu đất rất thích vẻ tự nhiên của những tảng đá có kích thước không đồng đều. Vì vậy ông quyết định để nguyên hiện trạng thay vì san bằng.
Ngay sau đó, nhóm chuyên gia do ông Lida Xin, nhà cổ sinh vật học, phó giáo sư tại Đại học khoa học địa chất Trung Quốc dẫn đầu đã đến địa điểm để kiểm tra cụ thể.
Bằng máy quét 3D, các chuyên gia xác nhận những dấu chân kỳ lạ thuộc về hai cá thể, là động vật trên cạn lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Đó là loại khủng long sống trong thời kỳ đầu kỷ Phấn trắng.
Ước tính, khủng long dài khoảng 8 mét, tồn tại cách đây khoảng 145 đến 66 triệu năm. Một trong số đó là khủng long Brontosauruses có chiếc cổ rất dài và đầu nhỏ.
Lida Xing cho biết đây là trường hợp hiếm, khi các công trình xây dựng ở thành phố đã gây khó khăn cho các chuyên gia nghiêm cứu hoá thạch.
Lida Xing nói: "Khi chúng tôi đến đó, chúng tôi thấy các dấu chân rất sâu và khá rõ ràng nhưng chưa ai biết chính xác đó là gì. Sau khi kiểm tra bằng máy quét 3D, chúng tôi phát hiện ra đó là dấu chân khủng long".
Để bảo tồn tình trạng được nguyên vẹn, nhóm nghiên cứu xây dựng một hàng rào xung quanh khu vực phát hiện.
Mặc dù, các nhà khoa học từng phát hiện nhiều hóa thạch khủng long từ kỷ Jura ở Tứ Xuyên, nhưng rất ít khi phát hiện ra hóa thạch từ kỷ Phấn trắng. Kỷ Phấn trắng là thời gian khủng long phát triển mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên Trái Đất.
Lida Xing cho biết: "Khám phá mới giống như một trò chơi ghép hình, thêm một bằng chứng về kỷ Phấn trắng ở Tứ Xuyên và sự đa dạng của các loài khủng long. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh, các toà nhà cao tầng mọc lên nhiều khiến việc tìm kiếm hoá thạch trong thành phố khó khăn hơn".
Hoàng Dung (lược dịch)