Theo báo cáo SIPRI, từ năm 2014 đến năm 2023, xuất khẩu vũ khí của Pháp đã tăng 47%. Khách hàng chính của Pháp là các quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương (42%) cũng như các quốc gia ở Trung Đông (34%).
Doanh số bán hàng kỷ lục Pháp đạt được trong bối cảnh chi tiêu quân sự của các quốc gia chưa bao giờ lớn như vậy trong 30 năm qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Kết quả tích cực nói trên phần lớn là do thành công xuất khẩu, tuy chậm nhưng chắc, của loại máy bay chiến đấu Rafale, sản phẩm tinh hoa của của Tập đoàn Pháp Dassault Aviation…
Rafale thúc đẩy doanh số bán vũ khí của Pháp trên phạm vi quốc tế. Ảnh: AFP |
Rafale là sản phẩm tinh hoa của ngành xuất khẩu vũ khí Pháp, nhưng chất lượng đó cũng đang được khẳng định trong nhiều lĩnh vực khác như tên lửa trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm, pháo binh, trực thăng, radar, hay vệ tinh viễn thám ...
Theo hãng tin AFP, 94 chiếc Rafale được bán từ năm 2019 đến 2023, doanh số bán vũ khí kỷ lục cho Ấn Độ, Ai Cập và Qatar…
Hiện tại máy bay Rafale đang có trong đơn hàng mua sắm vũ khí của Ai Cập (30 chiếc), Qatar (36) và Ấn Độ (36). Ngoài ra, hàng loạt các nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Hy Lạp và Indonesia đều đã và sẽ trang bị thêm Rafale cho quân đội của họ.
Léo Péria-Peigné, chuyên gia về vấn đề vũ khí thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp cho biết, có nhiều yếu tố có thể lý giải cho thành công bất ngờ trong xuất khẩu vũ khí của Pháp. Trước hết là bởi sự sụt giảm xuất khẩu vũ khí của Nga do Moscow phải tập trung cho nhu cầu của cuộc chiến Ukraine.
Hai là, gần đây Pháp đã được “giải phóng” khỏi các quy định của Mỹ về bán vũ khí. Thiết bị vũ khí của Pháp giờ được gọi là thiết bị “Free Itar”, tức là không có bất kỳ chi tiết nào của Mỹ và không phải tuân thủ Quy định về mua bán vũ khí Quốc tế (ITAR) do Washington áp đặt.
Theo RFI, không giống như thiết bị của Mỹ, vũ khí của Pháp cho các quốc gia khách hàng nhiều tự do hơn và sở hữu toàn bộ thiết bị này. Các nhà sản xuất Pháp đảm bảo thiết bị vũ khí của họ không liên quan đến các điều khoản của luật pháp Mỹ về xuất khẩu thiết bị phục vụ chiến tranh. Vũ khí Pháp không có các chi tiết có thể gặp phản đối của Washington. Đây chính là điểm mạnh để Pháp có thể thuyết phục các khách hàng ký các hợp đồng mua vũ khí lớn. “Ví dụ như Ấn Độ mua máy bay Rafale không hẳn chỉ vì chất lượng của loại máy bay này, mà còn do Rafale có thể mang các loại vũ khí tương tự mà Mỹ chưa muốn bán cho họ”, chuyên gia Léo Péria-Peigné dẫn chứng.
Ba là, với nhiều quốc gia, mua vũ khí của Pháp cũng là cách để củng cố quan hệ đồng minh. Hy Lạp mua máy bay chiến đấu Pháp cũng là nhằm bảo đảm sự ủng hộ của Pháp trong các tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài hiệu quả, chất lượng của thiết bị, các thách thức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong thành công của vũ khí Pháp. Mua hàng của Pháp cũng là cách không để bị rơi vào tầm ngắm của Washington. Ví dụ, khi một nước mua thiết bị quân sự của Nga, thì ngay lập tức quốc gia đó sẽ nằm trong danh sách đen của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa phòng không S-400 của Nga nên đến giờ vẫn bị cấm mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Với những yếu tố thuận lợi trên, chuyên gia Léo Péria-Peigné nhận định, công nghiệp quốc phòng Pháp đang đứng trước một tương lai phát triển lâu dài.
TIẾN ĐẠT (theo RFI, AFP)