Tuy nhiên, Le Figaro dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Pháp, Barbara Pompili, đảm bảo rằng điều này là không thể, bởi vì theo các hợp đồng đã ký kết nên việc thanh toán phải được thực hiện bằng đơn vị tiền tệ được niêm yết ở đó và sau đó ngân hàng tự chuyển đổi euro thành ruble.
Bà Pompili khẳng định với Ủy ban về quan hệ kinh tế của Quốc hội Pháp rằng quyết định chuyển tiền thanh toán khí đốt thành đồng ruble không phải là một điều tiên quyết dẫn đến việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga.
Theo bà Pompili, các doanh nghiệp vẫn có thể thanh toán tiền khí đốt bằng đồng euro cho ngân hàng, đặc biệt là qua ngân hàng Gazprombank (Nga) và đồng euro sẽ được chuyển đổi thành đồng ruble.
Pháp ‘lách luật’ thanh toán khí đốt của Nga mà không sử dụng đồng ruble. (Ảnh: AP) |
Trong trường hợp này, các hợp đồng sẽ vẫn được tôn trọng và trên thực tế, không có gì thay đổi nhiều đối với các doanh nghiệp Pháp. Nếu một giải pháp như vậy là khả thi, thì việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga cũng sẽ không xảy ra.
“Tôi nghĩ rằng thanh toán khí đốt bằng đồng ruble trước hết là một biện pháp hỗ trợ đồng tiền này, nhưng đây hoàn toàn không phải là một biện pháp trả đũa đối với các doanh nghiệp châu Âu”, Bộ trưởng Môi trường Pháp nhận định.
Đồng thời, bà Pompili đảm bảo tình huống này sẽ không thể ngăn cản châu Âu nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga.
Được biết, các nước châu Âu từ chối thanh toán bằng đồng ruble cho khí đốt của Nga, bao gồm cả vì điều này không được ghi rõ trong các hợp đồng đã ký kết. Nếu các tài liệu đã ký chỉ rõ đồng euro là đơn vị tiền tệ thanh toán, thì các công ty Pháp có mọi quyền từ chối thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán.
Bà Pompili cũng lưu ý rằng, Ngân hàng Trung ương Nga có thể đặt bất kỳ tỷ giá nào cho tỷ giá hối đoái - theo cách này, Moscow có thể thao túng giá cả một cách đơn phương và hóa ra là bỏ qua các lệnh trừng phạt.
Trước đó, hôm 23/3, các thị trường châu Âu đã rung chuyển trước tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, nước này sẽ chỉ chấp nhận “các quốc gia không thân thiện” trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.
Sau đó, hôm 28/3, ông Putin đã tiếp tục yêu cầu Tập đoàn khí đốt Gazprom và Ngân hàng trung ương Nga chuẩn bị cho việc chuyển đổi thanh toán và sẵn sàng vào ngày 31/3.
Ông Putin nhấn mạnh, nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là việc không hoàn thành nghĩa vụ từ phía người mua, với tất cả các hậu quả sau đó.
“Không ai bán miễn phí cho chúng tôi bất cứ thứ gì, và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Có nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng lại”, Tổng thống Nga khẳng định.
Theo Financial Times, đây là động thái đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, buộc các nước phương Tây phải phá vỡ quy tắc của chính mình bằng việc phải giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga và hệ thống ngân hàng Nga.
Bên cạnh đó, những thông báo như vậy tác động trực tiếp đến chỉ số giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu, vốn đã tăng hơn 5-8 lần so với mức giá năm ngoái.
Thanh Bình (lược dịch)