"Tuyên bố này rất quan trọng và rất nguy hiểm. Pháp, do nguyên thủ quốc gia Pháp đại diện, liên tục nói về khả năng họ trực tiếp tham gia - trên thực địa - vào cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là một xu hướng rất nguy hiểm", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 3/5.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Economist hôm 2/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra hai điều kiện để đưa quân tới Ukraine: yêu cầu của Kiev và việc Nga đột phá trên tiền tuyến. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiện nay không có yêu cầu nào như vậy từ Ukraine.
"Nếu Nga chọc thủng chiến tuyến của Ukraine và nếu có đề nghị từ phía Ukraine, khi đó chúng tôi cần cân nhắc (đưa quân vào Ukraine)", Tổng thống Macron nói.
Theo ông Macron, những gì xảy ra trong hơn 2 năm chiến sự Nga - Ukraine cho thấy không nên loại trừ bất cứ phương án nào.
"Tôi có mục tiêu chiến lược rõ ràng: Nga không thể thắng ở Ukraine. Nếu Nga thắng ở Ukraine, sẽ không có an ninh ở châu Âu. Ai có thể giả vờ tin rằng Nga sẽ dừng lại ở đó? Sẽ có an ninh gì cho các quốc gia láng giềng khác, Moldova, Romania, Ba Lan, Litva và các quốc gia khác. Do vậy, chúng ta không được loại trừ bất cứ điều gì vì mục tiêu của chúng ta là Nga không bao giờ được giành chiến thắng ở Ukraine", ông Macron nói thêm.
Tổng thống Macron gây tranh cãi từ hồi tháng 2 sau khi tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và các nước này sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn Nga giành chiến thắng ở Ukraine.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của khoảng 20 nhà lãnh đạo phương Tây nhằm thảo luận phương án hỗ trợ thêm cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Quan điểm của ông Macron nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo một số nước. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Slovakia, Ba Lan khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine.
Nga nhiều lần chỉ trích phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp là nguy hiểm, đồng thời cảnh báo nguy cơ một cuộc xung đột hạt nhân nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine.
Ngoài phát ngôn của Tổng thống Pháp, tuyên bố của Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm 3/5 cũng vấp phải sự phản đối của Nga.
Ông Cameron tuyên bố, Anh sẽ cấp cho Ukraine mỗi năm 3 tỷ bảng chừng nào còn có thể và không phản đối Kiev dùng vũ khí do London viện trợ để nhắm vào Nga.
Phản ứng với tuyên bố của ông Cameron về quyền của Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: "Chúng tôi nhận thấy kiểu leo thang bằng cách đưa ra những tuyên bố từ các quan chức. Chúng tôi nhận thấy điều đó ở cả cấp nguyên thủ quốc gia như Pháp và ở cấp quan chức như Anh".
"Đây là sự leo thang căng thẳng trực tiếp xung quanh cuộc xung đột Ukraine, có khả năng gây ra mối đe dọa đối với an ninh châu Âu, cũng như đối với toàn bộ cấu trúc an ninh châu Âu", ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin mô tả nhận xét của Ngoại trưởng Anh là "một tuyên bố rất nguy hiểm".
"Chúng tôi ghi nhận xu hướng leo thang căng thẳng nguy hiểm trong các tuyên bố chính thức. Điều này đáng lo ngại", ông Peskov nhấn mạnh.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Nga Dmitry Belik tuyên bố: "Phương Tây từ lâu đã quyết định sử dụng tên lửa tầm xa trên lãnh thổ Nga và Cameron đã công khai bày tỏ điều này... Chúng tôi đang không ngừng tăng cường hệ thống phòng không, sản xuất thêm các tên lửa phòng không và các trạm tác chiến điện tử. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi có đủ lực lượng để phòng thủ và phản công".