Chúng ta là nền kinh tế chuyển đổi, từ kinh tế một thành phần trước Đổi mới, sang kinh tế nhiều thành phần ngày nay. Vì vậy, hệ thống thể chế chưa theo kịp quá trình chuyển đổi bên trong và hội nhập sâu rộng.

Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh, hôm 15/1/2024 đã xử tù vợ chồng Tuấn, Nhung bán con đẻ của mình để lấy 18 triệu đồng. Tuấn và Nhung sống với nhau không hôn thú, có với nhau 4 đứa con. Do hoàn cảnh nghèo khó, họ bàn bạc thống nhất liên lạc với các gia đình hiếm muộn con, có điều kiện kinh tế, có nhu cầu nhận nuôi trẻ để bán đứa con thứ 4 mới sinh mong có chút tiền nuôi 3 đứa còn lại.

Toà đã xử người chồng 13 năm tù, vợ 10 năm, để lại 4 đứa con bỗng dưng bơ vơ như trẻ mồ côi.

Có lẽ tòa xử không sai và mức án là rất nghiêm khắc vì buôn bán trẻ em là trọng tội. Tuy nhiên, sau bản án lại thêm một tình cảnh đau lòng nữa là, ba đứa con thơ trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa khi chính bố, mẹ ruột bị vào tù. Còn đứa út, “nạn nhân” của vụ buôn bán người, chắc sẽ tốt hơn so với ở lại gia đình.

Số phận của cặp vợ chồng, của bốn cháu nhỏ và bản án rất nghiêm, tất cả trở thành bi kịch đau thương.

Hình ảnh cặp vợ chồng Tuấn Nhung ngơ ngác, thậm chí không thốt lên lời tại tòa, tương phản với lời nói, thái độ của nhiều vị từng là cán bộ trước tòa.

Thử đọc lại câu nói của một phạm nhân từng là cán bộ trước tòa: "Tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả”. Vị này còn nhắn nhủ người nhà là “... đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về".

Vì sao lại có thái độ coi đi tù như đi an dưỡng, coi kết quả xét xử của tòa án như trò đùa? Chẳng lẽ pháp luật chưa đủ sức răn đe?

toa an.png
Phiên toà xét xử vụ Việt Á. Ảnh: TTXVN

Trong một vài vụ đại án được đưa ra xét xử gần đây,  nhiều kẻ tham ô, nhận hối lộ, vì "ăn năn hối lỗi”, trả lại tiền thì được nhận mức án nhẹ.

Trong khi đó, nếu như muốn người nhận hối lộ trả lại tiền hối lộ nhằm góp phần khắc phục hậu quả thì pháp luật hoàn toàn có thể quy định mức phạt tiền tương ứng, để vẫn có hình phạt mà không lâm vào tình trạng xử án nhẹ cho phạm nhân vì đã trả lại tiền tham nhũng.

Những hệ thống tư pháp tiên tiến hiện nay không định ra yếu tố “không hưởng lợi” như chúng ta đang làm. Giữa hai bên trao tiền và nhận tiền không phải là họ hàng thân thích gì, không có sự trao đổi hàng hoá gì, thì sao lại nói là ăn hối lộ “không hưởng lợi”? Ngược lại, chính hành vi nhận tiền ấy đã cấu thành tội phạm.

Rồi có lập luận biện hộ là người nhận tiền không biết đó là tiền hối lộ mà nghĩ đó là “quà cảm ơn”, trong khi các hệ thống tư pháp tiên tiến không chấp nhận giảm hình phạt vì lý do không biết luật.

Cho nên cần có những quy định chặt chẽ, có những hoạt động phổ biến tuyên truyền về pháp luật thường xuyên, kịp thời. Đặc biệt, mỗi công chức, viên chức khi mới nhận việc phải được chỉ dẫn chi tiết những việc nào được làm, không được làm và hậu quả của tội nhận hối lộ, để khi ra tòa không thể nói không hiểu luật và không hiểu hối lộ là gì - một lập luận hết sức ngây ngô.

Với quan chức thì càng không thể nói mình thiếu hiểu biết về pháp luật, vì nếu như vậy thì không xứng đáng được bầu chọn làm “công bộc” của dân; chưa kể là lý do ấy “lãng xẹt” vì quan chức nào cũng phải học qua đủ các trường lớp, có đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp mới được bổ nhiệm.

Chúng ta có việc xét nhân thân, trong khi các nền tư pháp tiên tiến thì mọi người giàu, nghèo, sang, hèn đều bình đẳng trước pháp luật. Quan chức không kể công trước tòa để được giảm án. Nhân thân tốt đã được ghi nhận qua bằng khen, huân chương, thăng chức đi kèm các khoản thưởng.

Nguyên tắc “công tội phân minh”, “pháp bất vị thân” thì ai cũng phải bình đẳng, công bằng trước tòa. Khi xét thân nhân tốt qua bằng khen, huy chương thì những người dân chạy ăn từng bữa như vợ chồng Tuấn, Nhung làm gì có được.

Ở nước ta hiện nay, hệ thống kiểm tra, thanh tra chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, nhưng chỉ riêng vụ Vạn Thịnh Phát đã cho thấy con voi đã chui được qua lỗ kim! Bởi vì 100% các thành viên trong đoàn kiểm tra ăn hối lộ, nhưng cũng có những sự “vận dụng” nên có người thoát tội.

Công việc thanh tra và kiểm tra ở các nước tiên tiến thường được thực hiện theo các hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng, độc lập, báo cáo công bố công khai và thường xuyên có cơ chế đánh giá bởi các tổ chức bên ngoài. Quy trình thanh tra và kiểm tra thường được quy định cụ thể và tuân theo nguyên tắc quyền lực phân tán. Liệu chúng ta có học được gì từ họ khi thiết kế công việc thanh tra, kiểm tra?

Khi một vài cá nhân phải ra tòa thì có thể thể nghĩ những người đó kém tu thân hoặc nơi đó chọn sai người. Nhưng khi nhiều người ở nhiều nơi phải ra tòa thì phải tìm nguyên nhân sâu xa hơn.

Chúng ta là nền kinh tế chuyển đổi, từ kinh tế một thành phần trước Đổi mới, sang kinh tế nhiều thành phần ngày nay. Vì vậy, hệ thống thể chế có lẽ chưa theo kịp quá trình chuyển đổi và hội nhập sâu rộng.

Trong bối cảnh lớn đó, cần phải thừa nhận điều này như đã thừa nhận nền quản trị xã hội và kinh tế theo cơ chế quan liêu bao cấp mệnh lệnh là trì trệ lạc hậu... để có các giải pháp đúng để chữa bệnh tận gốc.

Tô Vân Trường

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/phap-bat-vi-than-2243964.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/phap-bat-vi-than-2243964.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Pháp bất vị thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO