Do sự phát triển mạnh mẽ của máy bay phản lực, nên pháo phòng không tự hành đã nhanh chóng trở nên lỗi thời. Trong các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ, nó thường được sử dụng để pháo kích các mục tiêu trên mặt đất hơn là để đẩy lùi các cuộc tập kích của máy bay địch.
Ở Liên Xô và nhiều nước khác, người ta ưu tiên phát triển các phương tiện quân sự có hệ thống pháo cỡ nòng 23mm - 40mm. Trong đó có thể kể đến pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka và ZSU-37-2 Enisei của Liên Xô, Type 95 (PGZ-95) của Trung Quốc, Gepard của Đức, CV-9040 của Thụy Điển...
Quốc gia đầu tiên quyết định phá vỡ truyền thống hàng thập kỷ này là Italia, khi đưa vào sử dụng bệ pháo 4 nòng của hệ thống phòng không SIDAM 25, vốn được chế tạo trên cơ sở xe bọc thép chở quân M113. Nước này đã sản xuất phương tiện chiến đấu phòng không chạy bánh xích và đặt tên là Otomatic. So với các mẫu khác, hệ thống pháo của nó có cỡ nòng được tăng lên đáng kể là 76mm.
Pháo phòng không tự hành Otomatic của Italia.Ảnh: Vedi sotto/wikipedia.org. |
Với sự hỗ trợ của hệ thống pháo này, binh sĩ có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách 6.000m, đặc biệt là máy bay trực thăng tấn công. Trong khi đó, tầm bắn ngang có thể lên tới 11.000m.
Tốc độ bắn đạt 120 quả đạn mỗi phút. Cơ số đạn pháo là 70 quả (theo số liệu khác là 100 quả), bao gồm cả những quả có mảnh gây sát thương (3.750 mảnh) và những mảnh cỡ nhỏ xuyên giáp với vận tốc ban đầu là 1.617m/giây, cho phép vô hiệu hóa các loại xe bọc thép mặt đất. Bên cạnh đó, những loại đạn pháo dẫn đường có chính xác cao cũng đã được Italia nghiên cứu chế tạo.
Trạm radar được lắp đặt trên xe có thể “nhìn thấy” máy bay ở khoảng cách 15.000m và trực thăng đang bay lơ lửng ở khoảng cách 8.000m. Ngoài ra, còn có một hệ thống phát hiện và ngắm bắn quang điện tử với nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh truyền hình và máy đo xa bằng tia laser.
Giàn pháo được lắp đặt trên khung gầm của pháo tự hành Palmaria nổi tiếng, cũng như trên bệ xe tăng chiến đấu chủ lực OF-40 do Italia nghiên cứu chế tạo. Trọng lượng chiến đấu là 46.000 kg, trong khi công suất động cơ là 750 mã lực, tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 65 km/giờ. Mức dự trữ năng lượng cho xe chạy được quãng đường dài 500km với kíp lái gồm 4 người.
Theo tính toán, mô-đun chiến đấu của pháo phòng không tự hành có thể dễ dàng lắp đặt cho xe tăng Leopard 1, Leopard 2, M1 Abrams, Ariete C1, Challenger và T-72.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần thử nghiệm thành công pháo phòng không tự hành, nhưng theo nhiều nguồn tin, việc chế tạo loại pháo này khi đó tiêu tốn hơn 6 tỷ lira. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Italia đã quyết định từ bỏ việc trang bị loại vũ khí này, đồng thời cũng không có khách hàng nước ngoài nào đặt mua.
Mặc dù vậy, ý tưởng sử dụng pháo hạng trung trong phòng không lại trở nên hữu ích ở Trung Quốc, nơi ra đời cùng lúc hai pháo phòng không bánh lốp cỡ nòng 76mm là SA2 và H/PJ-26. Theo đó, SA2 được lắp trên khung gầm của xe ô tô địa hình, còn H/PJ-26 lắp trên phiên bản 5 trục của xe bọc thép chở quân ZBL-08.
Hiện Nga cũng đang hoàn thiện việc chế tạo tổ hợp pháo phòng không Derivatsiya-PVO cỡ nòng 57mm, nhằm thay thế pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka. Có thông tin cho rằng, loại đạn đặc biệt kích nổ thông qua lập trình được chế tạo dành cho tổ hợp này để tiêu diệt máy bay không người lái cỡ nhỏ.
QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)