Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 “kiểu mới” của Triều Tiên phóng ngày 24/3. (Nguồn: KCNA) |
Ngày 25/3, lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng khôi phục quyết định tạm ngừng các vụ phóng tên lửa.
Trong tuyên bố của Đức, quốc gia nắm giữ cương vị Chủ tịch G7 trong năm 2022, các nhà lãnh đạo G7 nêu rõ: "Những hành động này đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực cũng như quốc tế, gây ra nguy cơ khó lường đối với lĩnh vực hàng không dân dụng quốc tế và hàng hải trong khu vực, đồng thời đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần đưa ra một phản ứng mang tính thống nhất".
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga cần chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên nhằm kiềm chế nước này không tiếp tục thực hiện những "động thái khiêu khích".
Bình luận trên được bà Porter đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ trước thềm cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra trong cùng ngày, nhằm thảo luận về vụ phóng ICBM mới nhất của Triều Tiên.
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, Moscow và Bắc Kinh đã nhất trí phối hợp chặt chẽ về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau vụ việc trên.
Thông cáo cho hay, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và ông Lưu Hiểu Minh, đặc phái viên Trung Quốc về Bán đảo Triều Tiên, “hai bên bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất tại tiểu vùng”.
Hai bên cũng nhấn mạnh cần tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao công bằng cho các vấn đề của khu vực Đông Bắc Á, “nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc”.
Vụ phóng hôm 24/3 là lần đầu tiên Triều Tiên thử nghiệm đầy đủ ICBM Hwasong-17 kể từ năm 2017. Dữ liệu bay cho thấy, tên lửa đã bay cao và xa hơn tất cả các lần phóng trước đây của Triều Tiên, trước khi rơi xuống vùng biển phía Tây Nhật Bản.