Biên bản được công bố ngày 21/8 thậm chí còn cho thấy một số nhà hoạch định chính sách đã sẵn sàng giảm lãi suất ngay tại cuộc họp tháng trước. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản trong phạm vi 5,25% - 5,5% vào ngày 31/7, nhưng mở ra khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 17 - 18/9.
Các thị trường tài chính đang kỳ vọng cuộc họp tháng tới sẽ mở đầu chu kỳ nới lỏng chính sách của Fed, với dự đoán ngân hàng này sẽ giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm trong năm nay.
Biên bản cho thấy tại cuộc họp tháng Bảy, hầu hết các nhà hoạch định chính sách cho rằng "nếu dữ liệu tiếp tục diễn biến như dự đoán, việc nới lỏng chính sách tại cuộc họp tiếp theo có thể sẽ phù hợp”.
Mặc dù tất cả các quan chức Fed đều đồng ý giữ nguyên lãi suất vào tháng Bảy, biên bản tiết lộ rằng "một số" nhà hoạch định chính sách cho rằng tiến triển trong việc giảm lạm phát trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng đã tạo điều kiện cho việc cắt giảm 0,25 điểm phần trăm ngay trong tháng Bảy.
Biên bản cũng cho thấy ngày càng có ít nhà hoạch định chính sách lo ngại về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm có thể khiến lạm phát tăng trở lại.
Với chủ trương của Fed là quyết định lãi suất sẽ phụ thuộc vào số liệu kinh tế, dư luận đang đưa ra những dự đoán về quy mô cắt giảm trong tương lai và liệu có cần hành động mạnh mẽ ngay từ đầu chu kỳ nới lỏng hay không. Các nhà phân tích tại Evercore ISI dự đoán Fed có thể hạ lãi suất ba lần liên tiếp, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, đến hết năm nay.
Tốc độ gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp đã thúc đẩy các cuộc tranh luận về việc hạ lãi suất. Nhiều nhà phân tích cho rằng Fed nên xem xét giảm 0,5 điểm phần trăm vào tháng tới. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức thấp 3,4% vào đầu năm ngoái nhưng sau đó đã tăng lên 4,3% tính đến tháng trước. Biên bản lưu ý rằng các quan chức Fed nhận định thị trường lao động nhìn chung đã trở lại như trước đại dịch COVID-19, và mô tả thị trường lao động là "mạnh mẽ nhưng không quá nóng".
Những lo ngại của Fed về thị trường lao động có thể được củng cố bởi ước tính về tổng số việc làm được tạo thêm trong giai đoạn từ tháng 4/2023 - 3/2024 đã được Bộ Lao động Mỹ điều chỉnh giảm 818.000 việc làm so với báo cáo ban đầu. Việc điều chỉnh này đã khiến mức tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng trong giai đoạn này giảm xuống còn 174.000 việc làm/tháng, so với mức 242.000 việc làm được báo cáo trước đó.
Dữ liệu của Bộ Lao động sẽ tiếp tục được điều chỉnh cho đến khi báo cáo chuẩn cuối cùng được công bố vào tháng 2/2025. Tuy nhiên bản sửa đổi cuối cùng thường không khác nhiều so với các bản sửa đổi sơ bộ.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng JPMorgan, Chase Jamie Dimon, nhận định nền kinh tế Mỹ "không hề" rơi vào suy thoái, và kêu gọi thị trường bình tĩnh trước sự biến động trong tuần này, nhưng ông vẫn không loại trừ khả năng có thể xảy ra suy thoái trong thời gian tới.
Ông Dimon cho rằng mọi người đang phản ứng quá mạnh mẽ với những biến động hàng ngày của thị trường, mà những biến động này có khi có lý do chính đáng, nhưng cũng có khi gần như không có lý do gì.
Trước ông Dimon, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trên phố Wall và các nhà kinh tế học cũng đã xoa dịu những lo ngại rằng sự biến động của thị trường tuần này phản ánh một nền kinh tế không khỏe mạnh.
Mới đây, CEO của Goldman Sachs David Solomon đã vẽ ra một bức tranh thậm chí còn lạc quan hơn. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông nhận định khả năng cao nhất vẫn là nền kinh tế Mỹ tiếp tục ổn định và không suy thoái, nhưng không phải là không có khả năng suy thoái. Trước đó, các chuyên gia của Goldman đã nâng dự báo về khả năng suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới từ 15% lên 25%.
Trước đó, báo cáo việc làm yếu hơn dự đoán, kết hợp với một số kết quả kinh doanh ảm đạm trong lĩnh vực công nghệ và việc giới đầu tư giảm các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade), đã tạo ra phiên giao dịch biến động nhất trên thị trường chứng khoán kể từ khi xảy ra đại dịch. Đà giảm này tiếp tục được nối dài trong phiên 7/8.
Theo báo cáo khảo sát kỳ vọng của người tiêu dùng (SCE) được Fed chi nhánh New York công bố ngày 12/8, kỳ vọng lạm phát trung hạn của người tiêu dùng Mỹ đã giảm đáng kể trong tháng 7/2024, trong khi triển vọng ngắn hạn và dài hạn về áp lực giá cả vẫn ổn định, tuy nhiên các hộ gia đình ngày càng lo lắng về khả năng trả những khoản nợ trong năm tới.
Kỳ vọng lạm phát trung bình trong 3 năm đã giảm xuống mức 2,3% trong tháng 7/2024, mức thấp nhất kể từ khi Fed chi nhánh New York thực hiện SCE hàng tháng vào năm 2013, từ mức 2,9% của tháng 6. Triển vọng lạm phát 1 năm và 5 năm vẫn ổn định lần lượt ở mức 3,0% và 2,8%.