Phân loại rác tại nguồn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

T/H| 22/12/2022 15:00

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Nền kinh tế tuần hoàn

Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng tất yếu. Một số nước phát triển đã tiên phong trong tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng, 50% chất thải trong ngành xây dựng, 99% rác thải thành năng lượng điện. Singapore đã chế biến 90% rác thải thành năng lượng (công suất 1000 tấn/ngày), số còn lại được đắp thành đảo nhân tạo Semakau.

Cùng với xu thế đó, Việt Nam đang nỗ lực phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2021

Để làm được điều này, việc phân loại rác tại nguồn giữ vai trò quan trọng. Có nhiều cách phân chia nhóm chất thải cần được phân loại:

- Chia thành 2 nhóm: rác thải hữu cơ (rác thải dễ phân hủy) và rác thải còn lại.

- Chia thành 3 nhóm: rác thải hữu cơ, rác thải có thể tái chế, tái sử dụng và rác thải còn lại.

- Chia thành 4 nhóm: rác thải hữu cơ, rác thải có thể tái chế, tái sử dụng, rác thải nguy hại và rác thải còn lại.

Phân loại rác thải thành 3 nhóm: Tái chế, Hữu cơ, Vô cơ

Rác hữu cơ: là các chất thải có chứa các hợp chất hữu cơ, có khả năng phân hủy sinh học, bao gồm:

  • Các thành phần chất thải có nguồn gốc thực vật: rau, đậu, hoa quả, củ, hạt, cơm thừa, cây cỏ loại bỏ, lá rụng, rau quả hư hỏng…
  • Các thành phần chất thải có nguồn gốc động vật như: tôm, cá, thịt, vỏ trứng, xác động vật, phân gia súc, côn trùng, không bao gồm các loại vỏ nghêu, vỏ sò, rác sân vườn như cành cây…

Rác vô cơ: là những chất thải không có khả năng phân hủy trong điều kiện tự nhiên hoặc có thể phân hủy nhưng thời gian rất dài, bao gồm:

  • Rác vô cơ không tái chế: là chất thải rắn vô cơ không có khả năng sử dụng hoặc chế biến lại như giấy ăn đã sử dụng, thủy tinh, quần áo cũ, xỉ than, xương động vật, vỏ sò, vỏ trứng...
  • Rác vô cơ có thể tái chế: là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc chế biến lại như vỏ hộp, chai, lọ, túi nhựa, chai nhựa, giấy báo, bìa carton, kim loại…

Thu gom rác thải tái chế

Rác thải nguy hại: bao gồm các loại hóa chất có nguy cơ de dọa tới sức khỏe con người, động vật và cây cỏ. Đối với rác thải từ hộ gia đình, rác thải nguy hại có thể là: sơn, thuốc trừ sâu, dầu nhớt, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, chất tẩy rửa, pin, bóng đèn thải bỏ…

Tùy theo từng khu vực, tính chất và nguồn phát sinh rác thải, điều kiện đầu tư trang thiết bị, quy mô công nghệ xử lý rác sau phân loại… mà có thể lựa chọn những phương thức phân chia theo nhóm rác thải khác nhau cho phù hợp với từng khu vực. Thu gom và phân loại được xem là vấn đề then chốt để thúc đẩy nền công nghiệp tái chế, nâng cao nhận thức cho người dân về nền kinh tế tuần hoàn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phân loại rác tại nguồn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO