Sau 1 tháng (6/8-6/9) triển khai thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân), Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho rằng, tình hình giao thông trên đoạn đường này đã có cải thiện, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều ở cả 2 hướng, tình trạng ùn ứ giao thông đã giảm; các phương tiện lưu thông đã trật tự hơn.
Ngoài ra, Sở GTVT cho biết, một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức hơn đi đúng phần đường của mình khi lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi; đồng thời, phương tiện xe buýt lưu thông thuận tiện, đi đúng làn đường và trật tự hơn, góp phần giảm ùn ứ giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Báo cáo UBND TP Hà Nội về các tồn tại, bất cập, theo Sở GTVT, dù thời gian thí điểm đã hình thành ý thức cho người tham gia giao thông nhưng điều này chưa nhiều và vẫn cần các lực lượng hướng dẫn giao thông túc trực; vẫn còn tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại (đặc biệt theo chiều đường từ Ngã Tư Sở về Khuất Duy Tiến).
Về tình trạng ùn ứ giao thông trong khung giờ cao điểm, theo thống kê vẫn xảy ra tại các khu vực gần các nút giao thông (Ngã Tư Sở, Vũ trọng Phụng), khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, các điểm quay đầu trên tuyến…
Cụ thể, vào khung giờ cao điểm buổi sáng xảy ra ùn ứ ở 2 khu vực: điểm giao với đường Khương Đình (sau ga đường sắt trên cao Thượng Đình); đoạn đầu cầu vượt Ngã tư Sở (khu vực đường Thượng Đình, Khương Trung).
Vào khung giờ cao điểm buổi chiều xảy ra ùn ứ ở 3 khu vực: khu vực quay đầu Royal City; khu vực nút giao Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Trãi; khu vực quay đầu gần nút Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi.
Ngoài ra, trong 10 ngày đầu thí điểm (6/8 - 16/8) đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên… Sau thời gian này, người tham gia giao thông đã quen với phương án nên rất ít xảy ra sự cố va quyệt vào dải phân cách cứng.
Thông tin về nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, bất cập khi thí điểm, Sở GTVT cho rằng do 3 nguyên nhân chính.
Một là, hiện tượng ùn ứ giao thông trước tiên do mật độ giao thông trên tuyến vào các khung giờ cao điểm và theo chiều đường nhất định rất cao, cùng với đó do việc phân làn có cải thiện, các phương tiện lưu thông nhanh hơn về khu vực các nút, các giao cắt gây ra ùn ứ.
Hai là, ý thức người tham gia giao thông đã có hình thành nhưng chưa cao, nhiều bộ phận tham gia giao thông vẫn đi theo thói quen, vi phạm luật giao thông đường bộ như đi ngược chiều (khu vực các điểm quay đầu, đầu cầu vượt Ngã Tư Sở…).
Ba là, do nhiều giao cắt, phát sinh các nhu cầu chính đáng các phương tiện tham gia giao thông cần chuyển hướng, đặc biệt là đối với phương tiện xe máy.
Khi xuất hiện các bất cập nêu trên, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TP, UBND quận Thanh Xuân theo dõi, rà soát và điều chỉnh giao thông cho phù hợp hơn với thực tế, bằng cách thu ngắn các vị trí dải phân cách; bổ sung biển báo hiệu lệnh…
Để đánh giá chính xác hơn nữa phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào thời điểm cuối năm 2022, Sở GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận cho tiếp tục triển khai thí điểm phương án trong thời gian 3 tháng (từ ngày 6/9 đến ngày 31/12).
Ngoài ra, trong thời gian tiếp tục thí điểm, Sở cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực tham gia giao thông tuân thủ theo đúng nội dung thông báo, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng đỗ trái phép... trên các tuyến đường, nút giao thông.