Phải tạo được chuyển biến căn bản trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

22/09/2021 18:46

Chiều 22/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và Đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch của Đoàn giám sát. Ảnh: Minh Thành.

Trình bày Báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, căn cứ vào Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, dự thảo kế hoạch đã xác định rõ mục đích giám sát nhằm xem xét, theo dõi, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát và một số cơ quan có liên quan.

Nội dung giám sát tập trung vào 4 nhóm nội dung chính: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ quan, người có thẩm quyền; tình hình, kết quả thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật như kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

Ông Dương Thanh Bình cũng nêu rõ Đoàn giám sát đã xây dựng 9 dự thảo đề cương báo cáo, yêu cầu nội dung đánh giá, tùy vào từng đối tượng chịu sự giám sát, theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của từng cơ quan, đề cương cũng có những yêu cầu đánh giá bổ sung.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là một trong những chuyên đề giám sát quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung của Đoàn giám sát liên quan đến nhiều cơ quan của Quốc hội, cơ quan tư pháp, cơ quan của Chính phủ. Do đó, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đoàn giám sát và các cơ quan có liên quan. Trong công tác xây dựng kế hoạch đề cương cần phát huy được thế mạnh của từng cơ quan liên quan và có công tác phối hợp chặt chẽ.

Nhấn mạnh tính chất, tầm quan trọng của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả của Đoàn giám sát phải lý giải rõ vì sao công tác giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp trong đó có nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài, nguyên nhân chủ quan và khách quan, dù đã có quy định pháp luật nhưng công tác tiếp công dân vẫn chưa đi vào nền nếp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thông qua Đoàn giám sát lần này phải hình thành được dữ liệu ban đầu cho việc cung cấp cơ sở dữ liệu về khiếu nại tố cáo sau này; có phân loại theo từng lĩnh vực, địa bàn, tính chất của từng vụ việc… Đồng thời, qua giám sát cũng phải chỉ ra được những nơi làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; nơi nào còn yếu kém.

“Kết quả giám sát phải kiến nghị rõ vấn đề ràng buộc trách nhiệm, thời hạn giải quyết những vụ việc cụ thể. Đối với một số vụ việc phức tạp phải chọn ra để các cơ quan liên ngành giải quyết; không để tồn đọng các vụ việc kéo dài. Phải có những kiến nghị, đề xuất hết sức cụ thể; tạo chuyển biến căn bản, bước đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ đây là chuyên đề giám sát quan trọng, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, liên quan đến nhiều cơ quan cả lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng cũng là nội dung được Đảng Nhà nước rất quan tâm, nhân dân kỳ vọng…

Cơ bản thống nhất với nội dung tại dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát lưu ý tiếp thu và hoàn thiện một số nội dung như: Chú ý trả lời cho được vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc nổi cộm, đông người mặc dù các quy định của pháp luật là rất chặt chẽ, đầy đủ. Xác định cho được trọng tâm là xung quanh việc quản lý đất đai, tài nguyên môi trường. Yêu cầu Thường trực Đoàn giám sát thiết lập mẫu biểu đề cương để có chỉ dẫn làm cơ sở xây dựng dữ liệu ban đầu cho việc cung cấp cho cơ sở dữ liệu về khiếu nại tố cáo sau này (phân loại rõ trong lĩnh vực, địa bàn, mức độ quan trọng).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh nội dung giám sát là lĩnh vực rộng liên quan đến nhiều cơ quan nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình giám sát, qua đó, phải tạo được chuyển biến căn bản trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Lê Sơn

Theo baochinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Phai-tao-duoc-chuyen-bien-can-ban-trong-cong-tac-tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao/447372.vgp
Copy Link
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Phai-tao-duoc-chuyen-bien-can-ban-trong-cong-tac-tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao/447372.vgp
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Phải tạo được chuyển biến căn bản trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO