Phải làm gì khi bị đau khớp hậu COVID-19?

ĐẶNG XUÂN THẮNG (SINH VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC, ĐẠI HỌC DUY TÂN ĐÀ NẴ| 20/04/2022 16:21

Đau khớp có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc COVID-19 với tỉ lệ 10–15%. Nó cũng là một trong những triệu chứng kéo dài với trường hợp đã khỏi bệnh.

Các khớp có vai trò là cầu nối giữa các xương, qua đó hỗ trợ cơ thể khi thay đổi tư thế hoặc di chuyển. Bất kỳ tổn thương nào của khớp (do mầm bệnh hoặc chấn thương) đều có thể cản trở hoạt động di chuyển và gây ra đau đớn.

Ở bệnh nhân đang mắc và sau mắc COVID-19, tuy chưa có con số thống kê cụ thể. Nhưng nhìn chung là các khớp thường được bệnh nhân mô tả là gây khó chịu nhất khớp gối, khớp vai và khớp cổ chân. Tuy nhiên, các khớp khác như hông, khuỷu, cổ… cũng được báo cáo.

Bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý xương khớp trước đó là những đối tượng hay gặp tình trạng này, bệnh nhân trẻ tuổi và trẻ nhỏ thường ít gặp hơn.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ nhưng thuộc nhóm ngồi nhiều (như nhân viên văn phòng) trước khi mắc COVID-19 gặp phải triệu chứng này.

Theo các nghiên cứu gần đây thì nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp này là do phản ứng của cơ thể chống lại SARS-CoV-2 khi xâm nhập. Các phản ứng miễn dịch này sẽ làm gia tăng các cytokine và chemokine tiền viêm. Sự tăng các cytokine tiền viêm làm tăng sự hình thành prostaglandin E2 - chất trung gian gây đau có tác dụng lên các thụ thể đau ở các khớp.

Làm gì với đau khớp hậu COVID-19?

Tập vật lý trị liệu. Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp, ổn định khớp và cải thiện các chuyển động khớp. Các kỹ thuật trị liệu có thể sử dụng như siêu âm, liệu pháp nhiệt hoặc kích thích điện học. Do vậy, bạn cần đến cơ sở có cung cấp dịch vụ này kèm theo chuyên gia tư vấn luyện tập.

Tập thể dục là một cách hiệu quả để giảm cân (cùng với chế độ ăn kiêng), điều này làm giảm áp lực đè lên các khớp gối hay cổ chẩn. Tuy nhiên cần tránh những bài tập nặng vì nó có thể gây đau tăng lên. Bơi lội và đi xe đạp là những bài tập tốt nhất vì cả hai đều cho phép vận động các khớp mà không ảnh hưởng quá nhiều đến chúng.

Chườm đá khớp trong khoảng 15 phút, vài lần mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Tăng các thực phẩm làm tăng collagen tự nhiên như nước hầm xương, cá, trái cây có múi, hàu, hến, ốc,…

Thuốc giảm đau như paracetamol. Cân nhắc sử dụng khi bệnh nhân đau mà các biện pháp hỗ trợ thông thường không cải thiện. Tuy nhiên, cần chú ý với những người có tiền sử bệnh gan vì thuốc này có nguy cơ tổn thương gan.

Thuốc kháng viêm Non-steroid. Sử dụng khi đau khớp mức độ từ vừa  đến nặng kèm theo sưng. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) không cần kê đơn như celecoxib, ibuprofen hoặc  naproxen giúp giảm đau. NSAID có tác dụng phụ là tăng nguy cơ gây xuất huyết tiêu hóa. Do vậy cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng và cần được sự tư vấn từ Bác sĩ.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/suc-khoe/phai-lam-gi-khi-bi-dau-khop-hau-covid-19-1036034.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/suc-khoe/phai-lam-gi-khi-bi-dau-khop-hau-covid-19-1036034.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phải làm gì khi bị đau khớp hậu COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO