PGS. TS. Trần Thành Nam: Học sinh được chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt là 'gia vị' không thể thiếu trong dạy học trực tuyến

Phi Khanh| 17/09/2021 15:42

Chuyển sang dạy học trực tuyến cũng tạo ra nhiều áp lực cho cả thầy lẫn trò. Do đó, giáo viên cần phải thay đổi quan điểm từ 'dạy nhiều giờ học' sang 'dạy giờ học chất lượng'.

Học trực tuyến
PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, trong lớp học trực tuyến, giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà phải trở thành người dẫn dắt, kiến tạo kiến thức cho học sinh.

Đó là quan điểm của chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) với báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện dạy học trực tuyến.

Sau 2 tuần học trực tuyến, ông nhận định như thế nào về thuận lợi cũng như thách thức, những bất cập nảy sinh từ hình thức học tập này?

Vâng, sau 2 tuần triển khai dạy học trực tuyến trên cả nước, chúng ta thấy vẫn còn sự lúng túng, chưa sẵn sàng của các bên.

Đó là những thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ cho việc dạy học, các tài nguyên số cần thiết (như băng thông, đường truyền, nền tảng học trực tuyến như Zoom, Teams) đến sự căng thẳng của giáo viên, sự lúng túng phụ huynh khi phải đóng vai trò mới - "huấn luyện viên hiện trường" của con.

Nhiều phụ huynh, giáo viên vẫn còn lúng túng khi sử dụng các ứng dụng công nghệ và đâu đó tôi cảm nhận thấy sự vội vàng tập trung vào dạy kiến thức khi chưa tạo được tâm thế học tập cho học sinh.

Đặc biệt, với học sinh các khối lớp tiểu học, khi các con chưa kết nối thân tình với cô giáo và bạn học, chưa làm quen với thao tác cơ bản trên ứng dụng và thiết bị... thì hiệu quả dạy học chắc chắn có nhiều quan ngại.

Việc học trực tuyến kéo dài sẽ tác động ra sao đến tâm lý của trẻ?

Những nghiên cứu đi trước đã chỉ ra, so với phương pháp học trực tiếp, thì học tập trực tuyến không thỏa mãn và tạo hứng thú với 74% học sinh, lý do vì thiếu vận động, thiếu tương tác, phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình.

Có 57% học sinh được hỏi cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp. Rồi các vấn đề kỹ thuật đường truyền và thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân chủ yếu (chiếm 60%) trong các yếu tố gây sao nhãng và làm giảm hứng thú học tập .

Bên cạnh đó, việc học trực tuyến kéo dài cũng đang được khuyến cáo gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất (ví dụ như sức khỏe thị lực giảm, giảm vận động dẫn đến nguy cơ béo phì) và cả sức khỏe tinh thần của học sinh (tăng sự bực bội, cáu gắt, lo lắng, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng ghi nhớ kiến thức) cũng như các kỹ năng xã hội (do đói tương tác xã hội người thực) hơn so với học trực tiếp.

Bên cạnh vai trò "huấn luyện viên hiện trường" của con như ông vừa đề cập, phụ huynh còn phải hỗ trợ thế nào để con thích nghi với học trực tuyến?

Phụ huynh cần nhận ra những biểu hiện sớm của trẻ khi bị tổn thương tâm lý, tinh thần.

Cụ thể, trẻ lo lắng phần lớn thời gian trong ngày, cảm thấy không ai hiểu mình, không thể ngủ hoặc ngủ chập chờn, tỉnh dậy giữa đêm và không thể đi ngủ lại được.

Đặc biệt, trẻ có biểu hiện không muốn nói chuyện, không muốn chia sẻ với thành viên gia đình; không cư xử đúng mực với các thành viên khi ở nhà; than phiền đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi mà không có nguyên nhân cụ thể, luôn thấy bức bối và dễ cáu, từ chối không liên lạc với bạn bè.

Nhận ra các biểu hiện này, cha mẹ hãy giúp con cân bằng thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức. Cần duy trì một lịch tập luyện đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ... Hãy để trẻ làm những thứ cảm thấy thích thú, tận hưởng, thực hành một thói quen thư giãn phù hợp, tự khích lệ bản thân, rèn luyện sự biết ơn hoặc hành động để trao đi yêu thương.

Đồng thời, tích cực tăng cường kết nối và phát triển các mối quan hệ mới, củng cố những mối quan hệ hiện tại và giành lại những mối quan hệ đã mất.

Cuối cùng, hạn chế tiếp xúc với quá nhiều nguồn tin, phân biệt tin giả, loại bỏ suy nghĩ lo lắng để tập trung vào những việc có thể kiểm soát được.

Việc học trực tuyến có mới mẻ và thử thách đối với giáo viên? Từ đó, giáo viên cũng phải “chuyển mình” ra sao?

Chuyển sang dạy học trực tuyến cũng tạo ra nhiều áp lực cho giáo viên. Do đó, giáo viên cần phải thay đổi quan điểm từ “dạy nhiều giờ học” sang “dạy giờ học chất lượng”.

Trong lớp học trực tuyến, giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà phải trở thành người dẫn dắt, kiến tạo kiến thức cho học sinh. Rất nhiều vai trò mới mà người thầy phải thực hiện như hỗ trợ việc học tập của học sinh ở nhà; giúp đỡ về mặt tâm lí học sinh, phối hợp với phụ huynh trong hoạt động học tập của trẻ; thiết kế các chương trình dạy học cá nhân hóa cho từng học sinh.

Cùng với đó, công tác thiết kế bài dạy trực tuyến tận dụng công nghệ hiện vẫn mới mẻ với các thầy cô, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và công sức nhiều song trên thực tế, thời gian để chuẩn bị bài dạy lại ngắn.

Bản thân rất nhiều giáo viên cũng phải đương đầu với những căng thẳng do đại dịch mang lại như áp lực "cơm áo gạo tiền", những hạn chế của công việc thời giãn cách và gánh nặng chăm sóc con cái, mất kết nối giữa người với người, mất cảm giác về thời gian, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng..

Tất cả khiến cho giáo viên cũng đuối sức không thể toàn tâm toàn ý đến cảm xúc và quá trình học của từng học sinh.

Học trực tuyến
Khi dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh đều phải đối mặt với nhiều áp lực. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Có thể nói, học trực tuyến là giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Vậy theo ông, làm sao để hình thức học này có hiệu quả thực chất?

Để học trực tuyến có hiệu quả thực chất, cần tuân theo những quy luật tâm lý học nhận thức. Các lớp học trực tuyến nên bắt đầu bằng những hoạt động khởi động vui nhộn tạo không khí vui vẻ hòa nhập cùng bạn học và thầy cô, tạo cơ hội trò chuyện hỏi han nhau để triển các kỹ năng mềm và tạo hứng thú bắt đầu bài học

Các hoạt động dạy học hình thành kiến thức mới nên được thiết kế ngắn gọn, tối đa hóa dưới dạng trò chơi, đặt ra các câu hỏi tạo sự quan tâm và tranh luận của học trò, sử dụng các ứng dụng đơn giản để tăng tương tác.

"Thái độ của giáo viên rất quan trọng trong tương tác với học sinh, tạo cơ hội cho mọi học sinh đều được chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt giữa các em là 'gia vị' chính rất quan trọng trong dạy học trực tuyến".

Thiết kế các hoạt động thực hành luyện tập cũng cần dựa trên các trò chơi, dự án, nhóm thảo luận, các phiếu bài tập trên Google form, Microsoft form, Kahoot hay Azota, sử dụng bảng vẽ trực tuyến để học sinh có thể tương tác được với nhau; sử dụng các công cụ lấy ý kiến trực tuyến như Mentimeter để khảo sát bình chọn cho các ý tưởng.

Giáo viên có thể sử dụng các công cụ thiết kế hẹn giờ để giúp học sinh nắm được lịch trình, sử dụng các công cụ quản lý lớp học trực tuyến như Class Dojojo hay Edmodo để quản lý sự tập trung chú ý và tạo nên tính kỉ luật hơn cho học sinh trong lớp học trực tuyến.

Ngoài ra, thái độ của giáo viên trong tương tác với học sinh, tạo cơ hội cho mọi học sinh đều được chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt giữa các em là "gia vị" rất quan trọng trong dạy học trực tuyến.

Làm thế nào để giảm bớt áp lực cho giáo viên cũng như bảo vệ sức khỏe tinh thần cho học sinh?

Thời điểm này, nguy cơ tổn thương tâm lý rất lớn cho cả giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh.

Tổ chức Y tế thế giới tổng kết từ cuối năm 2020 cho thấy trong một năm chống dịch, tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần trong cộng đồng đã tăng lên so với bình thường gấp từ 5 đến 7 lần so với bình thường.

Đồng thời, khuyến cáo đây chỉ là bề nổi của tảng băng vì có rất nhiều người tổn thương sức khỏe tâm thần nhưng không được ghi nhận, vì không có khả năng tiếp cận với bất kỳ dịch vụ chăm sóc nào. Một bộ phận lớn trong số đó là trẻ em.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ em, cũng cần thiết phải bảo vệ sức khỏe tâm thần cho đội ngũ giáo viên và phụ huynh. Có thể bắt đầu bằng việc tăng cường nhận thức cộng đồng (tập trung vào cha mẹ và giáo viên) về kiến thức liên quan đến sức khỏe tâm thần hướng đến giảm kỳ thị về nó, giúp cha mẹ thầy cô nhận diện các dấu hiệu, hiểu biết về các dịch vụ hỗ trợ tâm lý hiện có; ý thức về hành vi làm cha mẹ tích cực và kỹ năng kiểm soát cảm xúc trước những hành vi sai của trẻ.

Đặc biệt, có thể thí điểm lồng ghép kiến thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chương trình học trực tuyến của giáo viên. Trước khi tập trung vào dạy kiến thức, giáo viên có thể trao đổi chuyên đề này với cả học sinh và phụ huynh để sớm nhận diện và hỗ trợ các em khi có vấn đề.

Có nên giảm bớt thời lượng học sinh ngồi trước màn hình? Có thể dạy cho trẻ những bài học cốt lõi trong cuộc sống, về lòng biết ơn, về cách sống sao cho ý nghĩa, theo ông?

Để bảo vệ sức khỏe của học sinh, chúng ta cần có những nghiên cứu để quyết định về thời gian tối đa ngồi trước màn hình đối với từng cấp học.

Cần vận dụng triệt để “lớp học đảo ngược” để hạn chế các hoạt động tiếp cận trực tiếp với màn hình. Ví dụ, với các mục tiêu liên quan đến nhớ, hiểu thì giáo viên gửi trước tài liệu, video minh họa để học sinh tự đọc trước ở nhà. Giờ học tương tác trên màn hình chủ yếu là đặt câu hỏi và thảo luận, các phiếu bài tập hoặc các dự án được giao để học sinh tự chủ làm sau giờ học và trao đổi với giáo viên trong những giờ hỗ trợ để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong bối cảnh này, để nâng cao chất lượng giảng dạy, bản thân giáo viên cũng cần phải có kỹ năng tự chăm sóc cho bản thân. Chúng ta phải thay đổi những suy nghĩ lo sợ định kiến là mình “ích kỉ”, “chỉ lo cho mình”, hoặc có suy nghĩ là nếu mình chưa làm xong các trách nhiệm thì phải tiếp tục dồn sức làm không ngừng nghỉ cho đến khi xong.

Cần phải có một suy nghĩ mới là “Tôi sẽ hoàn thành công việc này tốt hơn nếu tôi mạnh khỏe và biết chăm sóc tốt bản thân mình”.

Nghề kỹ sư tâm hồn bắt buộc phải tự chăm sóc bản thân và cân bằng cảm xúc. Các cơ quan chức năng cũng cần có những điều chỉnh về mục tiêu, nội dung chương trình dạy học để giảm tải cho giáo viên, phòng tránh kiệt sức.

Xin cảm ơn ông!

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/pgs-ts-tran-thanh-nam-hoc-sinh-duoc-chia-se-va-ton-trong-su-khac-biet-la-gia-vi-khong-the-thieu-trong-day-hoc-truc-tuyen-158780.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/pgs-ts-tran-thanh-nam-hoc-sinh-duoc-chia-se-va-ton-trong-su-khac-biet-la-gia-vi-khong-the-thieu-trong-day-hoc-truc-tuyen-158780.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
PGS. TS. Trần Thành Nam: Học sinh được chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt là 'gia vị' không thể thiếu trong dạy học trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO