PGS. TS. Trần Thành Nam: 'Dán nhãn học sinh dốt đã là phi nhân văn và phản giáo dục'

PGS. TS. Trần Thành Nam| 22/04/2022 10:30

Chúng ta thường nói với nhau và tâm đắc với bài học, nếu đánh giá năng lực 'một con cá bằng khả năng leo cây' của nó thì con cá sẽ sống cả đời với niềm tin chúng là kẻ đần độn và kém cỏi. Và việc đưa ra nhận định dán nhãn một học sinh 'học dốt' đã là phi nhân văn.

PGS. TS. Trần Thành Nam: 'Gán nhãn học sinh dốt đã là phi nhân văn và phản giáo dục'
PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, việc phân loại, dán nhãn học sinh giỏi, khá, trung bình để làm tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục có lẽ không còn phù hợp.

“Nếu con không cam kết bỏ thi lớp 10, con sẽ trượt tốt nghiệp. Nếu con chịu học nghề, cô sẽ nâng cho con lên học sinh tiên tiến để có học bạ đẹp”. Đây là nội dung một đoạn tin nhắn được cho là của giáo viên một trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội gửi cho phụ huynh học sinh, làm dấy lên những tranh luận của nhiều bậc phụ huynh.

Mặc dù thông tin cuối cùng chưa được xác thực, nhà trường khẳng định không tư vấn cho học sinh bỏ thi vào lớp 10; Phòng GD&ĐT thì cho rằng có thể do phụ huynh hiểu nhầm dẫn tới thông tin chưa chính xác.

Vậy phía phụ huynh nói gì về những khẳng định trên? Điều đáng nói, nhiều phụ huynh cũng đã bức xúc lên tiếng vì thực tế con của họ bị đối xử không công bằng chỉ vì những áp lực thành tích trong giáo dục.

Dán nhãn học sinh dốt đã là phi nhân văn và phản giáo dục

Dưới góc nhìn của tôi, việc đưa ra nhận định dán nhãn một học sinh “học dốt” đã là phi nhân văn, như một nhát dao cứa vào tim các bạn học sinh và các bậc phụ huynh. Cách nhận định dán nhãn này hoàn toàn không phù hợp với quan điểm giáo dục hiện nay coi trọng “đa trí thông minh”, cho rằng mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn một tài năng.

Chúng ta thường nói với nhau và tâm đắc với bài học là nếu đánh giá năng lực "một con cá bằng khả năng leo cây" của nó thì con cá sẽ sống cả đời với niềm tin chúng là kẻ đần độn và kém cỏi.

Nhưng có lẽ trong thực tế, chúng ta lại vô tình quên mất bài học này khi ứng xử với những đứa trẻ trong đời sống học đường. Chúng ta vẫn đang đánh giá “giỏi - dốt” theo những tiêu chuẩn áp đặt của người lớn với các em.

"Đằng sau điểm số của đứa trẻ có cả thể diện của cha mẹ, có cả uy tín của giáo viên và thành tích của nhà trường. Và chúng ta dẫu có tuyên chiến với bệnh thành tích mạnh mẽ thế nào đi nữa thì cũng không thể triệt để được nếu vẫn giữ những quan niệm đánh giá như thế này".

Trong cuộc đời, chúng ta đều đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn, ai cũng có những khoảnh khắc lo âu, trầm cảm, làm việc không hiệu quả. Con cái chúng ta cũng vậy, cũng có những lúc thành tích học tập đi xuống, chán nản, mất động cơ hứng thú học tập. Cái đó không phải vì các em có năng lực kém mà có thể vì các em đang gặp những khó khăn, gặp tổn thương sức khỏe tâm thần.

Nhiều em chán học cũng chỉ vì mất kết nối với các thầy cô, thầy cô trong mắt các em đối xử thiên vị, không công bằng, không nhân văn, vì vậy em bất hợp tác.

Nếu giáo viên không hiểu những khó khăn, không thông cảm, không nhìn ra được năng lực thật đằng sau thành tích học tập suy giảm thì cô sẽ càng lơ là trách nhiệm, sẽ càng né tránh các bạn bất hợp tác, dán nhãn các em là học sinh yếu kém về học lực và ý thức. Điều này càng làm cho các em tụt lại phía sau.

Ảnh hưởng của bệnh thành tích

Việc phân loại, dán nhãn học sinh giỏi, khá, trung bình để làm tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục, hay thành tích dạy giỏi của giáo viên có lẽ không còn phù hợp.

Trong nhiều năm, một cách chính thức hay phi chính thức thì ngành giáo dục vẫn lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua các trường, cân nhắc tiêu chí cho việc ưu tiên đầu tư, cất nhắc lãnh đạo. Chính vì vậy, những trường tốt trong tốp đầu cũng sẽ luôn cố gắng giành lấy những học sinh giỏi nhất và loại trừ những học sinh không phù hợp với tiêu chí của Trường.

Chúng ta vẫn lấy kết quả điểm thi vào lớp 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên. Nếu một giáo viên dạy lớp 9 mà tỉ lệ đỗ tốt nghiệp và thi vào 10 không cao thì có lẽ chính phụ huynh cũng không gửi gắm nhà trường để xin cho con vào lớp đó. Tất nhiên, nhà trường cũng không phân giáo viên đó dạy lớp 9 nếu thành tích điểm số thi vào 10 trên thực tế không cao rồi.

Có thể thấy rằng, đằng sau điểm số của đứa trẻ có cả thể diện của cha mẹ, có cả uy tín của giáo viên và thành tích của nhà trường. Vậy làm sao mà không thành tích cho được. Và chúng ta dẫu có tuyên chiến với bệnh thành tích mạnh mẽ thế nào đi nữa thì cũng không thể triệt để được nếu vẫn giữ những quan niệm đánh giá như thế này.

Sống trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khi nền giáo dục công lập chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của người học thì nền giáo dục tư thục, trường nghề được hình thành và phát triển nhanh để bù đắp vào những nhu cầu thiếu hụt.

Và khi đã có rất nhiều trường tư thục thành lập thì “không trò đố thầy dạy ai” nên các trường cấp 3 tư thục, trường nghề cũng đi tuyển sinh. Họ cũng trả chi phí cho các trường THCS để giáo viên giới thiệu định hướng cho học sinh về các con đường tương lai, do đó làm sao mà định hướng khách quan và vô tư 100% được.

Tư vấn hướng nghiệp phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức

Để tránh bệnh thành tích, có lẽ chúng ta cần phải đo hiệu quả giáo dục của các nhà trường thể hiện qua sự tiến bộ liên tục của trẻ về các mặt kiến thức, kĩ năng và đạo đức qua từng học kỳ và năm học.

Có nghĩa, thành tích của nhà trường được đánh giá qua giá trị thặng dư sự chênh lệch giữa năng lực, kiến thức, phẩm chất, thái độ hành vi của học sinh từ khi vào trường đến khi ra trường.

Tương tự, đánh giá giáo viên không phải chỉ ở việc luyện ra được bao nhiêu học sinh giỏi trong số các em chăm ngoan có ý thức. Mà các thầy cô cần được đánh giá ở khía cạnh một giáo viên đã chuyển hóa được bao nhiêu học sinh mất động lực hứng thú học tập; gặp khó khăn trong phương pháp học tập bộ môn có lại niềm tin, có lại động lực, xác định lại được con đường tương lai của mình.

Còn liên quan đến việc định hướng tương lai và tư vấn hướng nghiệp, giáo viên cần hiểu rõ hướng nghiệp không phải là một công việc đơn giản và chỉ cần làm vào thời điểm cuối lớp 9 khi các em phải chọn lựa con đường học cấp 3 hay học nghề, mà nó phải được tiến hành trong cả quá trình khi học sinh vào trường THCS để học tập.

Tư vấn hướng nghiệp cũng phải tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản đó là thiện tâm và không gây hại, công bằng, chính trực và tôn trọng quyền tự quyết của học sinh.

Hướng nghiệp của các giáo viên chỉ là phân tích một cách khách quan từ những bằng chứng thực tế qua quan sát, qua đánh giá kết quả học tập, qua phân tích yêu cầu nghề nghiệp và nhu cầu, xu hướng xã hội cần thiết cho một nghề nghiệp tương lai để các em có thể hiểu mình, hiểu nghề, hiểu các con đường đi tới thành công và tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kế hoạch, con đường của bản thân mình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
PGS. TS. Trần Thành Nam: 'Dán nhãn học sinh dốt đã là phi nhân văn và phản giáo dục'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO