Paul Doumer thôi làm toàn quyền Đông Dương đã một trăm năm có lẽ cuốn hồi ký của ông được xuất bản tại Việt Nam đã vài tháng. Song những tranh luận về vị toàn quyền Đông Dương và cuốn sách vẫn không ngừng diễn ra. Độc giả đưa ra nhiều câu hỏi về ý nghĩa cuốn sách, cách dịch sách cũng như góc nhìn của Paul Doumer về Đông Dương.
Nhằm tạo diễn đàn trao đổi về cuốn sách, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ (VICC) và đơn vị phát hành cuốn sách – đã thực hiện buổi tọa đàm vào tối 6/4 tại Hà Nội.
Các diễn giả tham gia tọa đàm, từ trái qua: MC Mi Ly, nhà văn Trương Quý, ông Nguyễn Cảnh Bình, PGS Dương Văn Quảng. Ảnh: Hiền Đỗ |
Xứ Đông Dương là hồi ký của Paul Doumer - toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902. Cuốn sách là những ghi chép của tác giả trong thời gian ông làm toàn quyền ở Đông Dương, chia làm bảy chương lớn. Chương đầu ghi lại hành trình đi nhậm chức của Paul Doumer, qua mỗi vùng đất như Ai Cập, Singapore, Ấn Độ… ông đều đưa ra những đánh giá mang tính chất địa – chính trị vào cuối thế kỷ XIX.
Ở các chương sau, tác giả đưa ra những đánh giá tổng quan về Đông Dương, các xứ như Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên và Ai Lao. Các trang sách không chỉ có ý nghĩa như hồi ký, mà còn chứa đựng nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên nhiên, con người, văn hóa của xứ Đông Dương. Chương cuối có tên Sự trỗi dậy của Đông Dương thể hiện niềm kiêu hãnh của tác giả, là bản tổng kết những gì ông đã làm được trong thời gian mình làm toàn quyền.
Paul Doumer trước hết là một người cai trị của thực dân. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chính trị đều lên án thực dân với những đặc trưng như buôn nô lệ, bóc lột nông dân, phu phen… Paul Doumer làm toàn quyền tại Đông Dương trong một thời kỳ mà trước nay vẫn được coi là “giai đoạn bi thương của dân tộc”. Ông tới Đông Dương và thiết lập chế độ thuế khóa mới, chỉ sau một năm đã thu lãi cho chính quốc.
Ngay trong phần Lời nhà xuất bản của cuốn sách, NXB Thế Giới cho rằng Paul Doumer có nhiều cách nhìn phiến diện: “Tuy nhiên, bạn đọc cũng nên lưu ý, một số chi tiết được trình bày, diễn giải qua con mắt của một người châu Âu, một viên quan cai trị thực dân nên khó tránh khỏi tính chất chủ quan, phiến diện, không đúng với thực tế. Mặc dù vậy, cuốn sách được đánh giá là một nguồn tư liệu hữu ích cho những ai quan tâm về lịch sử, dân tộc học hay đất nước học liên quan đế ba nước Đông Dương thời thuộc Pháp”.
Paul Doumer. |
Ngoài khía cạnh một người cai quản thuộc địa, các góc khác của con người Paul Doumer được nhìn nhận bởi các diễn giả tham gia tọa đàm. Có ý kiến cho rằng Paul Doumer là một nhà cai trị độc tài nhưng mang lại nhiều thay đổi sâu sắc. Dưới thời Doumer, hệ thống hạ tầng cơ sở tại Đông Dương được kiến thiết. Ông xây tuyến đường sắt xuyên Đông Dương, nối với Vân Nam (Trung Quốc). Doumer cho lập một số nhà máy điện. Dưới nhiệm kỳ của ông, Hà Nội trở thành thành phố châu Á đầu tiên có điện chiếu sáng phố xá. Ông xây dựng hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện... Dấu tích các cơ sở hạ tầng do Doumer xây dựng vẫn còn nhiều ở Hà Nội, tiêu biểu là cây cầu Long Biên mà vốn được đặt theo tên Paul Doumer.
Ông Nguyễn Cảnh Bình – giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam – đánh giá về những điều mà Paul Doumer đã làm tại Đông Dương. Ông cho rằng vị toàn quyền không chỉ là một nhà cai trị, ông còn là một học giả, một nhà kỹ trị, một chính trị gia đầy tham vọng muốn biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông.
Phó Giáo sư Dương Văn Quảng nhìn nhận Paul Doumer ở khía cạnh thực dân: “Paul Doumer là một người đi khai thác. Rõ ràng ông là một nhà thực dân, khai thác thuộc địa để phục vụ nước Pháp. Trọng trách của ông ta là vậy". Nhưng để khai thác, Paul Doumer với tầm nhìn chiến lược đã làm nhiều việc. Ông tạo dựng cơ sở hạ tầng. Để khai thác thuộc địa, ông đào tạo người dân làm việc. Paul Doumer chủ trương không đưa người Pháp sang nhiều, mà đào tạo cho ngươi Đông Dương. Vì thế hình thành nên một lớp trí thức ở Đông Dương.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý – người chuyên viết tùy bút, khảo cứu về Hà Nội – cho rằng Paul Doumer đã làm được rất nhiều điều tại Hà Nội. Anh nói: “Lúc Paul Doumer đến, Hà Nội rất sơ sài, khu phố Tây không có gì đáng kể ngoài trục Tràng Tiền – Tràng Thi. Paul Doumer bắt đầu từ những bề bộn của Hà Nội, nơi đây không có quy hoạch, phố cổ lộn xộn, những đầm lầy khắp nơi… Giai đoạn này, Hà Nội được cải tạo quyết liệt. Hồ Gươm từ một đầm lầy hôi thối được nạo vét, trở thành viên ngọc phương Đông. Việc làm này rất quan trọng để những đường hướng phát triển sau đó cứ từ Hồ Gươm tỏa ra”. Nguyễn Trương Quý cho rằng, Paul Doumer muốn xây dựng Hà Nội thành một điểm dừng chân, để vươn xa địa giới Đông Dương tới phương Bắc.
Trong hồi ký, Paul Doumer có viết “Tôi đến đây quá muộn, nên không giữ được những di sản nơi này”. Ông luôn tiếc nuối với thành cổ, những di sản bị phá đi trước đó. Paul Doumer sớm nhận diện bản sắc xứ sở. Ông từng viết: “Nên coi trọng tự do của người bản xứ, thay vì tàn ác như nhà cầm quyền phong kiến”.
Paul Doumer tên đầy đủ Joseph Athanase Paul Doumer, sinh năm 1857, mất năm 1932. Là một chính trị gia người Pháp, ông là Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 và Tổng thống Pháp từ 1931 đến 1932.
Xứ Đông Dương là hồi ký của Paul Doumer. Cuốn sách do nhóm Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch. Xứ Đông Dương được xuất bản theo hình thức gây quỹ cộng đồng, ra mắt tháng 1/2016. Khi mới phát hành, nhiều độc giả chỉ ra những lỗi dịch thuật, do đó sách được thu hồi, hiệu đính và tái bản.