Biết nhưng khó thoát
Mỗi khi gặp phải những chuyện không như ý trong cuộc sống, nhiều người trẻ có xu hướng nghĩ nhiều về vấn đề đó tới mức mất ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, những suy nghĩ này lại không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề đang gặp phải, thậm chí làm cho những vấn đề này ngày càng trở nên rối và khó giải quyết hơn.
Khó giải quyết hơn là bởi những người này có xu hướng nghĩ nhiều về những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng cho những điều chưa xảy ra trong tương lai. Không chỉ đối với những vấn đề lớn và chỉ một "tiểu tiết" hay một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến những người mắc hội chứng này, lâm vào tình trạng "mắc kẹt" trong suy nghĩ của chính mình.
Bạn Lê Nguyễn Hoàng Kim (19 tuổi, Hà Nội) cho biết, chỉ một câu nói đùa của bạn bè cũng làm Kim suy nghĩ rất nhiều. Dù họ đã giải thích rằng họ không hề có ác ý và câu đùa đó là một câu đùa phổ biến họ vẫn thường dùng nhưng Kim không thể ngừng nghĩ về nó.
Kim kể: "Có một lần, các bạn trêu mình là ‘đồ yếu đuối’ khi thấy mình khóc. Điều này làm mình suy nghĩ rất nhiều: ''Mình có thực sự yếu đuối hay không?, Hay là họ chỉ đùa thôi, Mình có nên chơi tiếp cùng họ không?, Mình nghĩ oan cho họ rồi chăng?…". Từ đó, mối quan hệ của Kim và các bạn ngày càng tồi tệ hơn. Nam thanh niên dần trở nên ngại giao tiếp với mọi người, vì "sợ" lại bị mọi người "nói xấu".
Không chỉ vậy, với những vấn đề nghiêm trọng hơn khi chuẩn bị đi ngủ, Kim lại nhớ lại và dằn vặt bản thân. Điều này khiến cho nam sinh này liên tục suy nghĩ và không thể "vào giấc", làm ảnh hưởng đến giờ ngủ cũng như là chất lượng của giấc ngủ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi, buồn bã ở những người mắc hội chứng này. Họ dễ trở nên cáu gắt với những người xung quanh, thậm chí là với chính những người thân trong gia đình.
Không khó để có thể phát hiện bản thân có đang mắc hội chứng này hay không. Bạn Mai Trang (19 tuổi, Hà Nội)nhận ra mình là một người bị overthinking (tình trạng suy nghĩ quá nhiều) khi phát hiện bản thân thường lo lắng lo âu về mọi thứ, suy nghĩ liên tục về một điều gì đó, thậm chí có xu hướng suy nghĩ một cách tiêu cực, nghi ngờ bản thân.
Trang chia sẻ: "Sau một thời gian hẹn hò, em nhận ra bạn nam đã khác đi. Điều đó khiến em suy nghĩ rất nhiều, em đã suy nghĩ tích cực, em tự nghĩ sai về bản thân, luôn tự trách bản thân không tốt, không xứng đáng được yêu". Trang cho biết, khoảng thời gian đó em luôn sống trong sự tự trách, luôn có suy nghĩ rằng bản thân bị bỏ rơi do không đủ tốt.
Giống như Trang, Kim cũng nhận ra rằng bản thân mình đang mắc chứng overthinking nhưng không dễ để có thể thoát khỏi những suy nghĩ đó. Kim đã thử nhiều cách để tự mình thoát khỏi những suy nghĩ của bản thân. Kim nói: "Để vượt qua được những cái overthinking đó môyj cách tạm thời, mình thường đọc sách, chơi game, nghe nhạc… vì nghĩ là tay chân hoạt động thì não sẽ không nghĩ nữa".
Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ mang tính ngắn hạn, ngay sau khi kết thúc những hoạt động này, Kim lại bị cuốn vào luồng suy nghĩ của bản thân. Những suy nghĩ này chỉ dừng lại khi Kim đã trở nên kiệt sức, không đủ sức để suy nghĩ. Điều này khiến cho Kim luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất tập trung.
Bắt nguồn từ kỳ vọng và khả năng chấp nhận rủi ro
Một nghiên cứu do giáo sư tâm lý học Susan Nolen-Hoeksema của Đại học Michigan dẫn đầu đã phát hiện ra rằng 73% người 25-35 tuổi và 52% người 45-55 tuổi suy nghĩ quá nhiều. Ước tính Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần và overthinking không phải là ngoại lệ.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhận định: "Overthinking không phải là bệnh tâm thần, nhưng nó có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác. Overthinking thường liên quan đến chứng rối loạn lo âu tổng quát (GAD). GAD được đặc trưng bởi xu hướng lo lắng quá mức về một số thứ".
BS Sơn cho biết, overthinking làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, đau bụng và gián đoạn giấc ngủ. Những dấu hiệu sinh lý này có thể được gây ra bởi sự căng thẳng và lo lắng thường đi kèm với việc suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, hậu quả của việc suy nghĩ quá nhiều không dừng lại ở đó. Theo thời gian, nó cũng có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn. Phản ứng căng thẳng của cơ thể được kích hoạt khi bạn lo lắng hoặc căng thẳng, tạo ra các chất như cortisol có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.
Bên cạnh đó, người suy nghĩ quá nhiều có thể mắc phải các bệnh lý rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, nghiện chất kích thích và đồ uống có cồn. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được can thiệp, người mắc có thể bị trầm cảm.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Đặng Đức Anh cho biết: "Overthinking có thể bắt nguồn từ các kỳ vọng của chúng ta về cuộc sống và khả năng chấp nhận rủi ro. Bản thân mỗi người đều hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống mà các nhu cầu quan trọng của chúng ta như sinh tồn, an toàn, được yêu thương, thấu hiểu được bản thân, chứng tỏ bản thân… được đáp ứng".
Những người đặt kỳ vọng cao hơn, có xu hướng tìm kiếm sự hoàn hảo hoặc có khả năng chấp nhận rủi ro thấp hơn sẽ dễ overthinking. Tâm trí họ lựa chọn việc suy nghĩ thật nhiều, đào thật sâu như là một cách thức để giúp họ tìm ra các câu trả lời thuyết phục được chính bản thân cho vấn đề gặp phải.
Các lỗi nhận thức giống như tác nhân khiến việc suy nghĩ quá nhiều này trở nên trầm trọng hơn. Thông qua lăng kính sai lệch, người mắc có thể diễn giải vấn đề theo hướng không đúng với bản chất và khiến vấn đề phức tạp hơn rất nhiều.
ThS Đức Anh nhận định: "Đối với người coi trọng nhu cầu được an toàn thì việc dành thời gian để suy nghĩ và hình dung về tương lai khó khăn, tưởng tượng ra viễn cảnh tồi tệ từ đó lên kế hoạch chuẩn bị với họ quan trọng hơn việc quyết định vội vàng. Một vài người thấy rằng các quyết định của họ đỡ bồng bột hơn, giảm thiểu nguy cơ nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi họ suy nghĩ kỹ càng. Nên họ lựa chọn tiếp tục dù cho nó mất thời gian và nhiều lúc họ chẳng thể ra được quyết định đúng thời điểm".
Một người khi rơi vào overthinking sẽ thường trở nên mệt mỏi; họ mất đi năng lượng và sự tập trung. Các suy nghĩ có thể đi từ một chủ đề rồi mở rộng ra các chủ đề khác hay trở thành vòng lặp khiến bạn bấn loạn, tiêu tốn rất nhiều thời gian và khó để thoát ra. Khi bị cuốn vào dòng chảy suy nghĩ, ta miên man và trì hoãn hành động; từ đó làm giảm hiệu quả công việc thường ngày.
Theo ThS Đức Anh: "Biện pháp tìm kiếm nhà trị liệu sẽ là một biện pháp hữu ích hơn cả vì vấn đề mà mỗi cá nhân gặp phải lại có sự khác biệt. Nhà trị liệu cũng sẽ cung cấp và hướng dẫn các bài tập, các kỹ năng phù hợp đối với cá nhân bạn. Bên cạnh đó, việc luyện tập chánh niệm có thể là một cách thức để giúp chúng ta tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, giúp tâm trí bình an hơn và giúp ta gia tăng khả năng nhận thức đúng đắn về bản chất của vấn đề; thay đổi nhận thức, giảm kỳ vọng, buông bỏ và chấp nhận rằng mọi thứ không hoàn hảo, bắt tay vào hành động để giải quyết vấn đề thay vì chỉ suy nghĩ".