Sáng 16/1, Ban Chấp hành Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sự kiện có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng.
Ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, cho biết, với tầm vóc, vị trí, vai trò quan trọng của TPHCM, Bộ Chính trị luôn quan tâm và có nhiều nghị quyết nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cần làm rõ sự suy giảm của đầu tàu
Trong số các nội dung gợi mở để thực hiện Nghị quyết 31, Thường trực Ban Bí thư cho biết, nghị quyết đã nêu rõ, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế của TPHCM còn thấp.
Ông Võ Văn Thưởng nhận định, đánh giá này đúng và chính xác, thành phố cần nghiêm khắc nhìn nhận. Trong giai đoạn trước đây, khi nói tới năng động, sáng tạo, đi đầu là nói tới TPHCM, nhưng hiện nay, những đặc điểm này có chiều hướng suy giảm.
"Nhìn lại mấy năm qua, chúng ta thấy sự sụt giảm rất rõ. Tính năng động, sáng tạo, tốc độ phát triển kinh tế không bằng các địa phương khác. TPHCM vẫn là đầu tàu kinh tế, nhưng quy mô của đầu tàu đã bắt đầu giảm", ông Võ Văn Thưởng chia sẻ.
Thường trực Ban Bí thư phân tích thêm, sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, địa phương đã tăng trưởng cao trong các năm 2013, 2014, 2015. Tới năm 2016, sự tăng trưởng đã chững lại và sụt giảm sâu vào các năm 2017, 2018, 2019, 2020.
Từ lý do trên, ông Võ Văn Thưởng đề nghị TPHCM cần thực hiện đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để làm rõ vấn đề này.
Bên cạnh đó, TPHCM cần tập trung cho công tác quy hoạch, đô thị, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để xứng tầm một đô thị có quy mô dân số, kinh tế lớn nhất cả nước. Hiện nay, hạ tầng của địa phương, nhất là hạ tầng giao thông còn phát triển chậm.
"Hà Nội đã bắt đầu làm vành đai 4, TPHCM đang khởi động vành đai 3, vành đai 2 cũng còn vài km nhưng chưa xong. Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên phải dời tiến độ mãi, đến giờ vẫn chậm", Thường trực Ban Bí thư đánh giá.
TPHCM cần ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, trước Nghị quyết 31, Bộ Chính trị đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng cho thành phố là Nghị quyết 01 năm 1982, Nghị quyết 20 năm 2002 và Nghị quyết 16 năm 2012. Những nghị quyết quan trọng trên đã giúp vai trò, tầm vóc của TPHCM được khẳng định rõ, tuy nhiên, việc đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
"Nguyên nhân cơ bản là năng lực lãnh đạo, công tác quản lý điều hành của TPHCM chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và cơ chế, chính sách chưa đồng bộ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với thành phố còn chưa tích cực, hiệu quả", ông Nguyễn Văn Nên nhận định.
Báo cáo về các nội dung chính của Nghị quyết 31, Bí thư Thành ủy TPHCM, thông tin, đến năm 2030, thành phố cần trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, TPHCM cần chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.
Đối với thế giới, trung tâm kinh tế của phía Nam cần hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân cần đạt 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Để đạt được những kỳ vọng trên, Bộ Chính trị cũng đưa ra 6 nhiệm vụ chủ yếu cho TPHCM cùng các cơ quan Trung ương. Các phần việc chính tập trung vào các lĩnh vực xây dựng chính sách, tăng cường liên kết, hợp tác và theo dõi, giám sát.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 54 nhằm thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là trách nhiệm của thành phố, đồng thời cũng là việc chung của các cơ quan Trung ương. Do đó, các bên cần phối hợp trách nhiệm hơn nữa để tháo gỡ vướng mắc, tránh việc phải chờ đợi thời gian dài.