Tối 15/11 giờ Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ tái tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024. Nếu đánh bại các ứng viên khác trong vòng bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa, ông Trump sẽ thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ ba trong sự nghiệp chính trị của mình.
"Nhằm đưa nước Mỹ vĩ đại và huy hoàng trở lại, tôi ở đây tối nay và thông báo tranh cử tổng thống. Tôi tranh cử vì tôi tin rằng thế giới vẫn chưa nhìn thấy vinh quang thực sự mà nước Mỹ có thể đạt được. Chúng ta vẫn chưa đạt đến đỉnh cao đó, dù bạn có tin hay không", ông Trump tuyên bố trong sự kiện tại Palm Beach, Florida.
Các cố vấn cho biết chiến dịch tranh cử 2024 sẽ có đội ngũ nhân viên và ngân sách nhỏ hơn năm 2020, vì ông Trump phàn nàn rằng chiến dịch năm đó thất bại do có quá nhiều người và chi quá nhiều tiền. Chiến dịch mới của ông dự kiến đặt trụ sở tại Florida.
Ông trở thành ứng viên lớn đầu tiên của một trong hai đảng chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024. Reuters đánh giá tuyên bố tái tranh cử năm 2024 của Trump được đưa ra sớm hơn thường lệ, ngay cả ở một quốc gia nổi tiếng với các chiến dịch tranh cử tổng thống kéo dài như Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, ông Trump tuyên bố tái tranh cử sớm như vậy dường như để ngăn chặn sự trỗi dậy của các ứng cử viên tiềm năng khác như thống đốc bang Florida Ron DeSantis hoặc cựu phó tổng thống Mike Pence - những người có thể tranh cử tổng thống năm 2024. Ông DeSantis, ngôi sao đang lên của Đảng Cộng hòa, đã chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua và tái đắc cử thống đốc Florida. Trong khi đó, ông Pence đã cho thấy ông không còn chịu sự ảnh hưởng của ông Trump.
Ngoài ra, theo những người thân cận, ông Trump đang nôn nóng trở lại chính trường sau cuộc bầu cử thất bại năm 2020. Đội ngũ trợ lý của ông đã dành nhiều tháng qua để chuẩn bị giấy tờ, tìm kiếm thành viên tiềm năng, phác thảo một chiến dịch dựa trên kinh nghiệm của năm 2016.
NHỮNG "QUÂN BÀI" TRONG TAY
Ưu thế lớn nhất cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump là việc mặc dù đã rời chính trường 2 năm, nhưng ông vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đối với cử tri Cộng hòa. Ông được tin sẽ tiếp tục sử dụng những khẩu hiệu tranh cử cũ, đồng thời nhấn vào vấn đề lạm phát, chính trị đối ngoại và nhập cư, coi đó là những quân bài chiến lược để thu hút sự ủng hộ của cử tri Cộng hòa.
Những người ủng hộ MAGA (Make America Great Again - Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại - khẩu hiệu tranh cử trước kia của ông Trump) thích ông vì ông mang lại cho họ tiếng nói ở Washington. Trở lại đường đua vào Nhà Trắng, ông có thể sẽ nhắm đến những trăn trở, mối quan tâm của tầng lớp trung lưu Mỹ như từng làm năm 2018.
Đối với những người thuộc phe cánh hữu, ông Trump - người vốn có mối quan hệ gần gũi với giới doanh nghiệp - có thể vẫn được chấp nhận bởi ông lâu nay vẫn ủng hộ lợi ích của phe bảo thủ. Ông luôn chủ trương giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.
Ngược lại, ông có thể tìm cách đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì vấn đề lạm phát ở Mỹ. Ông sẽ viện dẫn số liệu lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm với giá xăng lên tới 6 USD/gallon, đồng thời đánh giá thấp các đề xuất chính sách hiện nay để giải quyết lạm phát cũng như giá nhiên liệu.
Về đối nội, ông Trump, giống hầu hết đảng viên Cộng hòa, sẽ đánh mạnh vào vấn đề tội phạm và nhập cư.
Ông có thể đổ lỗi tình trạng tội phạm gia tăng ở Mỹ cho đảng Dân chủ và phong trào giảm chi tiêu cho lực lượng an ninh của họ. Ông sẽ ủng hộ việc củng cố lực lượng cảnh sát mạnh mẽ và rót thêm ngân sách để làm điều đó.
Liên quan đến vấn đề nhập cư, ông Trump sẽ tiếp tục những gì đã làm như xây tường biên giới. Chính sách nhập cư được dự đoán trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump vì nó vốn rất hiệu quả trong lần chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Nhiều cố vấn hàng đầu của ông Trump lo ngại việc ông vẫn theo đuổi các cáo buộc gian lận bầu cử tổng thống 2020 sẽ khiến ông khó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024. Tuy nhiên, gần đây, các phát biểu của ông dường như dần tập trung hơn vào các vấn đề nóng: Tội phạm gia tăng, nhập cư và thảm họa kinh tế. Đây là những chủ đề chính xuyên suốt hai năm qua và các trợ lý hy vọng sẽ giúp ông Trump "ghi điểm".
Về đối ngoại, tuy có lập trường cứng rắn, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến Triều Tiên, Iran và khủng bố nói chung, ông Trump có thể sẽ liên kết với các đảng viên Cộng hòa để đề xuất cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Khi đó, ông sẽ phải đối mặt với chỉ trích quá mềm mỏng với Nga, nhưng sẽ làm vừa lòng phe Cộng hòa. Hiện tại, nhiều quan chức thuộc đảng Cộng hòa như Kevin McCarthy và Rand Paul đều tin rằng Mỹ đang chi tiêu một cách liều lĩnh trong việc viện trợ Ukraine, làm trầm trọng thêm cuộc xung đột Nga - Ukraine đồng thời khiến an ninh của Mỹ suy yếu.
KHÔNG CÓ "LÀN SÓNG ĐỎ"
Bên cạnh những ưu thế, kế hoạch tái tranh cử của ông Trump cũng vấp phải không ít thách thức. Mặc dù đảng Cộng hòa đã kiểm soát Hạ viện, song một điều không thể phủ nhận rằng đảng của ông Trump đã không đạt được kết quả như kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Thực tế không có "làn sóng đỏ khổng lồ" như ông Trump hay các thành viên Cộng hòa dự đoán. Nhiều ứng viên được ông Trump hậu thuẫn không thể chiến thắng trong kỳ bầu cử vừa qua. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu đảng Cộng hòa có thể một lần nữa đặt niềm tin vào ông trong cuộc bầu cử 2024 hay không.
Kỳ bầu cử giữa kỳ năm nay cũng được nhiều người coi là bài kiểm tra về di sản của ông Trump và ảnh hưởng liên tục của ông đối với đảng Cộng hòa.
Kết quả thăm dò chỉ ra rằng, ông Trump vẫn là ứng viên được yêu thích trong các cử tri đảng Cộng hòa, nhưng kể từ khi các ứng viên được ông ủng hộ lần lượt thất bại trong các cuộc đua vào ghế thống đốc, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, mức độ ủng hộ dành cho ông có xu hướng giảm sút. Cuộc thăm dò được công bố ngày 12/11 cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump giảm xuống còn 50%.
Thậm chí, giờ đây, ông còn trở thành tâm điểm của những chỉ trích, đổ lỗi. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Cassidy hôm 13/11 nói rằng, thất bại của đảng tại Thượng viện là do những ứng viên được ông Trump hậu thuẫn, họ tập trung quá nhiều vào các vấn đề quá khứ, như cuộc bầu cử năm 2020, thay vì những vấn đề đáng được quan tâm như kinh tế, tội phạm.
Nhiều thành viên Cộng hòa khác cũng công khai lên tiếng phản đối cựu tổng thống. Larry Hogan, Thống đốc sắp mãn nhiệm của bang Maryland, hôm 13/11 kêu gọi đảng Cộng hòa thoát khỏi tầm ảnh hưởng của ông Trump nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
"Ông ấy liên tục nói chúng ta sẽ thắng nhiều đến mức thấy mệt mỏi, nhưng trong những năm qua, tôi mệt mỏi vì thua cuộc. Đó là tất cả những gì ông ấy đã làm", ông Hogan nói.
Mo Brooks, nghị sĩ Alabama từng ủng hộ ông Trump, giờ đây cũng cho rằng: "Sẽ là sai lầm tệ hại nếu đảng Cộng hòa đề cử ông Trump làm ứng viên vào năm 2024".
"Chúng ta đã thua vào năm 2018, năm 2020. Chúng tôi tiếp tục thua năm 2021 ở Georgia. Người đáng trách duy nhất là ông Donald Trump ", Chris Christie, cựu thống đốc Cộng hòa của bang New Jersey, nói.
THÁCH THỨC PHÁP LÝ BỦA VÂY
Giới quan sát cho rằng ngoài tỷ lệ ủng hộ sụt giảm, tham vọng Nhà Trắng của ông Trump cũng sẽ bị cản trở bởi hàng loạt vụ kiện và điều tra mà ông ví là "cuộc săn phù thủy" hay mang động cơ chính trị.
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra cáo buộc ông Trump mang trái phép tài liệu mật ra khỏi Nhà Trắng khi hết nhiệm sở vào tháng 1/2021. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thu giữ khoảng 11.000 tài liệu sau các cuộc khám xét khu nghỉ dưỡng của gia đình ông Trump ở Mar-a-Lago. Khoảng 100 trong số này là tài liệu mật, một số còn được đánh dấu tuyệt mật. Thẩm phán đang xem xét liệu những tài liệu này có được bảo vệ bởi đặc quyền hành pháp, như ông Trump đã tuyên bố hay không. Đặc quyền hành pháp cho phép Tổng thống Mỹ có thể giữ bí mật một số tài liệu hoặc thông tin.
Ngoài ra, một ủy ban Hạ viện Mỹ đang điều tra vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021 nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020.
Trong khi đó, tập đoàn Trump Organization của gia đình ông cũng vướng vào không ít rắc rối pháp lý. Trump Organization đang phải đối mặt với các cáo buộc gian lận thuế và 6 tội danh khác. Tổng Chưởng lý bang New York Letitia James hồi tháng 9 cho biết, văn phòng của bà tìm thấy hơn 200 trường hợp định giá sai tài sản bởi ông Trump hoặc Trump Organization từ năm 2011 đến 2021. Theo đó, ông Trump bị cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản ròng lên hàng tỷ USD để nhận được các khoản vay có lãi suất thấp và được bảo hiểm tốt hơn.
Theo các chuyên gia pháp lý, thông báo tranh cử của ông Trump cũng không thể làm thay đổi các thủ tục pháp lý của bất kỳ cuộc điều tra nào mà ông phải đối mặt, cũng như khó làm thay đổi quan điểm của cử tri Mỹ.
Một cuộc thăm dò dư luận tuần trước của CNN cho thấy, 58% cử tri không ủng hộ ông Trump. Trong khi đó, kết quả khảo sát của NBC cho thấy, chỉ 30% cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ tổng thống thứ 45 của Mỹ tái tranh cử.
Còn hai năm nữa trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo diễn ra, các chuyên gia cho rằng, tuy hiện tại ông Trump đối mặt với không ít thách thức, song chưa thể nói trước được điều gì. Trang cá cược EmpireStakes.com của châu Âu cho thấy, cơ hội tái đắc cử của ông Trump là 25%.
Cách đây 6 năm, các cuộc thăm dò dư luận từng dự đoán cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Năm 2016, bà Clinton thực tế giành được nhiều phiếu phổ thông hơn ông Trump, nhưng lại thua ông về tổng số phiếu đại cử tri giành được từ cả 50 bang toàn quốc. Ông Trump đã giành chiến thắng chung cuộc nhờ đánh bại đối thủ Dân chủ ở các bang then chốt có nhiều phiếu đại cử tri như Wisconsin, Michigan, Ohio, Florida và thậm chí cả Pennsylvania, nơi cha của bà Clinton sinh ra và lớn lên thời niên thiếu.
"Mặc dù còn quá sớm để dự đoán cơ hội đi hết chặng đường của ông Trump, nhưng cựu tổng thống hiện được xem là ứng viên sáng giá để một lần nữa giành được đề cử của Cộng hòa", Nathaniel Rakich, nhà phân tích của chuyên trang thống kê FiveThirtyEight, nhận định.
Minh Phương
Theo Fivethirtyeight, New York Times, Reuters, WSJ
18/11/2022