'Ông trùm' buôn lậu xăng dầu vắng mặt, luật sư đề nghị hoãn phiên toà

12/07/2022 12:00

Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa xét xử 2 cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển do "ông trùm" buôn lậu xăng Phan Đăng Hữu vắng mặt, tuy nhiên HĐXX vẫn tiếp tục phiên tòa.

Sáng 12/7, Toà án quân sự quân khu 7 xét xử 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và "Không tố giác tội phạm".

Trong số 14 bị cáo hầu toà, nhiều bị cáo là từng công tác trong lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng.

Phiên toà vắng mặt nhiều người làm chứng và người có nghĩa vụ liên quan, trong đó có trùm buôn lậu xăng Phan Đăng Hữu và Nguyễn Hữu Tứ.

Đại diện VKS cho biết, 2 người này vắng mặt do tắc đường và sẽ được triệu tập trong các phiên xét xử tiếp theo.

Luật sư Nguyễn Danh Huế bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa với lý do một số người làm chứng vắng mặt có lời khai mâu thuẫn với thân chủ và chưa được đối chất trong quá trình điều tra.

Cùng quan điểm với luật sư Nguyễn Danh Huế, luật sư Đặng Văn Cường, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh, thân chủ của mình đang xin kêu oan nhưng phiên toà lại vắng mặt rất nhiều người làm chứng.

Các luật sư cho rằng, Phan Thanh Hữu là mắt xích không thể thiếu, nếu vắng mặt xin được hoãn toà.

'Ông trùm' buôn lậu xăng dầu vắng mặt, luật sư đề nghị hoãn phiên toà - 1

Các bị cáo tại phiên xử sáng 12/7. (Ảnh: Thông tấn Quân sự)

Tuy nhiên, HĐXX sau đó thông báo vẫn tiếp tục xét xử, do các người làm chứng đều đã có lời khai, nếu trong quá trình xét xử xét thấy có có mâu thuẫn, cần thiết phải làm sáng tỏ sẽ tiếp tục triệu tập và dẫn giải để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo.

Phiên toà dự kiến kéo dài 3 ngày, do thẩm phán, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong làm chủ tọa.

Theo cáo trạng, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) biết ông Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý vùng biển một số tỉnh nên nhờ ông Minh giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng.

Sau khi tiếp nhận xăng nhập lậu từ Singapore đưa về vùng biển Việt Nam, trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu liên lạc báo cho ông Minh biết để giúp đỡ, bảo kê cho các tàu chở hàng lậu không bị kiểm tra, bắt giữ. Đổi lại, hàng tháng Hữu chi tiền hối lộ cho ông Minh.

Từ tháng 12/2019 đến tháng 8/2020, Phan Thanh Hữu sử dụng 2 tàu Nhật Minh 07 và Nhật Minh 08 để mua bán, vận chuyển xăng lậu.

Trong các ngày 16/12/2019 và 10/1/2020, Hữu đã nhờ Phan Lê Hoàng Anh (con trai Hữu) chuyển vào tài khoản của vợ ông Minh là bà Trần Thị Liên tổng số tiền 750 triệu đồng. Tháng 2/2020, Hữu tiếp tục thông quan con trai để trực tiếp đưa 450 triệu đồng cho bà Liên.

Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 8/2020, trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu còn trực tiếp đưa tiền cho ông Minh mỗi tháng 450 triệu đồng ở nhiều địa điểm tại TP.HCM như quán cơm niêu, khách sạn Tân Sơn Nhất...

Cũng trong tháng 8/2020, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh cần tiền nên hỏi ứng trước của Hữu. Sau khi ông Minh nhắn số tài khoản của con gái Lê Diệu Linh, Hữu đã chuyển 500 triệu đồng.

Từ tháng 9/2020, nhóm của Phan Thanh Hữu tăng thêm một tàu chở xăng dầu lậu, nên Hữu đã tăng mức hối lộ chi cho ông Minh lên 500 triệu đồng mỗi tháng.

Theo cáo buộc, từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2021, cựu Tư lệnh Lê Văn Minh đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng.

Đối với cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh, cơ quan công tố làm rõ bị can này quen biết Phan Thanh Hữu thông qua giới thiệu của ông Lê Văn Minh.

Tháng 1/2020, Hữu cùng con trai đến nhà ông Thanh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặt vấn đề và được ông Thanh đồng ý. Hôm đó, Hữu xin số điện thoại của ông Thanh nhưng vị tư lệnh đọc cho Hữu số của vợ mình là bà Phan Thị Xuân.

Từ tháng 3/2020, Phan Thanh Hữu đã chỉ đạo con trai hàng tháng hối lộ cho ông Thanh thông qua hình thức mang tiền đến Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa cho bà Xuân. Mục đích để ông Thanh giúp đỡ, bảo kê các tàu buôn lậu xăng trên biển.

Theo cáo buộc, từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, bị can Hữu đã giao 1,8 tỷ đồng cho Phan Lê Hoàng Anh để đưa cho bà Xuân. Trong các lần đến đưa tiền, có một lần Hoàng Anh vào phòng khách ngồi trò chuyện, những lần khác đều đưa tiền tại cửa.

Bà Xuân thông báo cho chồng việc nhận tiền từ Phan Lê Hoàng Anh. Ông Thanh nghe vợ kể lại nhưng không nói gì.Tuy nhiên, từ khi nhờ và chi tiền cho ông Thanh, các tàu chở hàng lậu của nhóm bị can Hữu không bị Cảnh sát biển Vùng 3 kiểm tra, bắt giữ.

Trong 14 bị cáo, 4 người từng thuộc lực lượng Cảnh sát biển là Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4; Lê Xuân Thanh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Phùng Danh Thoại, cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát biển; Lưu Thế Đức, cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.

5 bị cáo từng công tác thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng gồm Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang; Phạm Văn Trên, cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng, cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng.

Các bị cáo khác không thuộc quân đội gồm Lê Văn Phương, cựu thượng tá, cựu Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và nhóm thuộc các đơn vị dân sự: Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, Cao Phước Hoài.

Minh Tuệ
Theo vtc.vn
https://vtc.vn//ong-trum-buon-lau-xang-dau-vang-mat-luat-su-de-nghi-hoan-phien-toa-ar687314.html
Copy Link
https://vtc.vn//ong-trum-buon-lau-xang-dau-vang-mat-luat-su-de-nghi-hoan-phien-toa-ar687314.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Ông trùm' buôn lậu xăng dầu vắng mặt, luật sư đề nghị hoãn phiên toà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO