Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Trưởng Ban chỉ đạo.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông là Phó Trưởng ban chỉ đạo; ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Phó Trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo.
Thành viên Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội còn có lãnh đạo một số ban Đảng Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; giám đốc, thủ trưởng sở, ban, ngành thuộc TP Hà Nội: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội; các Bí thư quận ủy, huyện ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm chất lượng, tiến độ và yêu cầu theo đúng Nghị quyết 56/2022 của Quốc hội, quy định của pháp luật có liên quan, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo Quyết định số 3617/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy do Bí thư Thành ủy là Trưởng ban.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trưởng Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cơ quan thường trực, từng thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị trong Ban chỉ đạo của TP Hà Nội.
Tháng 6/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tuyến đường có chiều dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (trong đó, Hà Nội hơn 19.470; tỉnh Hưng Yên 1.000; tỉnh Bắc Ninh 2.000).
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.
Dự kiến tuyến đường sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.