Chiều nay (22/7), phiên tòa xét xử ông Trần Hùng - cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT), cựu tổ trưởng Tổ 304 Tổng cục Quản lý thị trường và 35 bị cáo kết thúc phần tranh tụng chuyển sang phần nghị án. Các bị cáo được trình bày lời nói sau cùng.
Trong khi tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, duy nhất bị cáo Trần Hùng tiếp tục khẳng định mình bị oan. Ông Hùng cho rằng, bản thân không hề nhận 300 triệu đồng từ người môi giới Nguyễn Duy Hải để giúp giảm nhẹ trách nhiệm cho Công ty Phú Hưng Phát của Cao Thị Minh Thuận.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX đã vào phòng nghị án. Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau, HĐXX quay lại phòng xử án, thẩm phán chủ tọa tuyên bố sẽ cần nhiều thời gian để xem xét, đánh giá kết quả tranh tụng cũng như các chứng cứ buộc, gỡ tội cho đến lúc này.
“HĐXX sẽ tuyên án vào 9h ngày 27/7”, thẩm phán chủ tọa tuyên bố.
Trước đó, theo dự kiến ban đầu, toà sẽ xét xử liên tục trong 7 ngày kể từ 19/7/2023.
Tại phiên xét xử 22/7, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hùng vẫn đối đáp quyết liệt với các Kiểm sát viên. Theo luật sư, Viện Kiểm sát chỉ dựa vào lời khai của Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, bị Viện Kiểm sát truy tố về tội môi giới hối lộ vì nhận 300 triệu từ Thuận để đưa cho Trần Hùng) để buộc tội ông Hùng mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác.
Bào chữa cho ông Hùng, luật sư tiếp tục phân tích dữ liệu định vị điện thoại của Trần Hùng và điện thoại của Duy Hải từ 12h40 đến trước 14h ngày 15/7/2020 để khẳng định hai người không thể gặp nhau tại phòng làm việc của Trần Hùng ở trụ sở Tổng cục QLTT, trên địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để đưa, nhận 300 triệu đồng.
Ngoài ra, luật sư của ông Hùng cũng cho rằng nên triệu tập tài xế đưa Trần Hùng đi làm để tiếp tục làm rõ về thời gian môi giới và nhận hối lộ này.
Luật sư đã mời người này tới dự phiên tòa, và chỉ cần HĐXX đồng ý là người lái xe sẵn sàng trả lời tòa những điều mình biết và chứng kiến. Tuy nhiên, đề nghị này không được HĐXX chấp thuận, với lý do, lái xe biết gì thì đã khai hết trong hồ sơ vụ án.
Đối đáp lại với luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng, các Kiểm sát viên giữ quyền công tố đã đưa ra hệ thống lập luận buộc tội với bị cáo Trần Hùng.
Theo Kiểm sát viên, từ nguồn tin bên ngoài về dấu hiệu một kho sách giả ở Hà Nội, ngày 8/7/2020, ông Hùng - Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục QLTT bút phê vào tài liệu chỉ đạo Cục QLTT TP Hà Nội và Đội QLTT 17 trực tiếp kiểm tra, để rồi phát hiện Công ty Phú Hưng Phát tàng trữ hơn 27.000 sách giả.
Ba ngày sau, Cao Thị Minh Thuận nhắn tin, điện thoại cho Hùng xin được xử nhẹ, đồng thời nhờ Nguyễn Duy Hải gặp gỡ, tác động thêm.
Kiểm sát viên cho rằng, ban đầu, ông Hùng rất kiên quyết không gặp, không nhận lời giúp Thuận. Tuy nhiên, khi Hải tiếp cận đặt vấn đề cảm ơn thì Hùng đã thay đổi thái độ.
Cụ thể, Hùng đã tác động tới Lê Việt Phương để Đội QLTT 17 tạo điều kiện cho Thuận thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho Phú Hưng Phát. Và mấu chốt của sự thay đổi này là việc Hải môi giới đưa 300 triệu đồng cho Trần Hùng ngay tại phòng làm việc vào đầu giờ chiều 15/7/2020.
Công tố viên cho rằng dù định vị điện thoại cho thấy điện thoại của Trần Hùng ở thời gian xảy ra việc môi giới hối lộ, nhận hối lộ là ở quận Ba Đình chứ không phải phòng làm việc của Hùng tại trụ sở Tổng cục QLTT, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhưng không có nghĩa Trần Hùng ở ngay sát điện thoại ấy.
Với lập luận như vậy, bên buộc tội cho rằng, hệ thống các chứng cứ khác vẫn đủ cơ sở chứng minh Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng từ người môi giới Nguyễn Duy Hải.
Ngày 21/7, VKS đề nghị mức án với ông Trần Hùng từ 9-10 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Ngoài ra, bị cáo Hùng còn phải nộp trả lại ngân sách 300 triệu đồng.
Bị cáo Cao Thị Minh Thuận bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Bị cáo Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17) bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đề nghị mức án 1 năm 11 tháng, bằng thời hạn tạm giam, trả tự do tại tòa về tội "Môi giới hối lộ".