Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam

THANH BA| 01/02/2022 08:24

Đến Việt Nam du lịch, nhiều ông Tây bà Đầm không nỡ rời đi; họ chọn cách ở lại để ngày ngày vun đắp những mầm xanh thiện nguyện cho đời.

“Quảng Nam – một điểm đến, hai di sản văn hóa thế giới” từ lâu trở trở thành địa chỉ tham quan hút hồn bao lữ khách thập phương. Ở đó, có những ông Tây bà Đầm đang kéo dài hành trình du lịch của mình bằng những hoạt động thiện nguyện chưa đến hồi kết.

Cặp vợ chồng Thụy Điển phải lòng Việt Nam

Hai vợ chồng Kawa Wandi và Nishte cùng 3 đứa con sinh ba (6 tuổi, quốc tịch Thụy Điển) đang thuê ngôi nhà nhỏ ở phố cổ Hội An làm nơi lưu trú.

Hai năm qua, trên trang Instagram Wandiunion của nhóm thiện nguyện, Wandi thường xuyên cập nhật các hoạt động từ thiện cũng như cảnh đẹp ở Việt Nam.

Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam - 1

Wandi lặn lội vượt hàng trăm cây số lên các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để tặng cặp sách, bút thước, sữa...cho học sinh nghèo.

Wandi thổ lộ, anh và vợ vô cùng thích thú trước vẻ đẹp cổ kính của những nếp nhà hàng trăm năm tuổi ở Hội An. Sự thân thiện, mến khách và thái độ cởi mở, vui vẻ của người bản địa càng khiến vợ chồng anh thêm yêu vùng đất, con người nơi đây.

Trò chuyện với chúng tôi, Wandi chậm rãi chia sẻ về hành trình 4 năm vòng quanh thế giới và duyên nợ chọn Việt Nam làm điểm dừng chân.

Năm 2017, Wandi và Nishte quyết định nhượng lại cơ sở kinh doanh của gia đình ở Thụy Điển để thu về khoản tiền mà cả hai dự trù đủ cho họ thực hiện chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới. "Ba năm đầu, vợ chồng tôi và 3 con di chuyển liên tục qua nhiều nước trên khắp 5 châu. Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi dành nhiều tháng ở Ấn Độ, Malaysia, Lào, Thái Lan để hỗ trợ lương thực, sữa cho các bạn nhỏ bất hạnh trong trại trẻ mồ côi, vùng khó khăn", Wandi kể.

Hình ảnh ông Tây "cưỡi" chiếc xe máy 50 phân khối chở đầy ắp mắm, muối, cá khô…đi gửi trao yêu thương đã in đậm trong tâm trí của người dân

Đầu năm 2020, cả gia đình Wandi đặt chân đến Việt Nam và chọn Hội An - thành phố quyến rũ nhất thế giới, làm nơi lưu trú. Tại đây, Wandi quen biết Trang Quốc Trí - chủ cơ sở kinh doanh ăn uống ở sát vách căn nhà Wandi thuê. Chính Trí là người dẫn lối Wandi và Nishte trên khắp nẻo đường hành thiện.

Wandi nhớ lại, sang Việt Nam được 4 tháng, địa phương nơi vợ chồng anh cư trú bùng phát dịch COVID-19. Phố xá nhộn nhịp, đông đúc du khách của những ngày trước đó bỗng dưng vắng lặng. "Trí nói với tôi, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, nhiều người đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ. Không do dự, vợ chồng tôi đồng ý góp tiền cùng nhóm của Trí mua gạo, mì gói và nhiều thứ khác rồi đến tận nhà trao cho người nghèo. Đó là chương trình có ích đầu tiên, gia đình tôi thực hiện ở đất nước của các bạn", Wandi cho hay.

Khi Wandi vừa dứt câu, anh Trí tiếp nối câu chuyện bằng loạt hình ảnh ghi lại hàng chục chuyến từ thiện của nhóm Trí. Hết thảy các chuyến đi, Wandi đều có mặt và góp sức. Trong cuốn sổ tay dành riêng cho hoạt động từ thiện, ở trang giữa, Trí lưu lại hoạt động đặc biệt của nhóm trong 3 ngày cuối tháng 10/2020.

Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam - 2

Wandi mặc áo mưa, lội nước trao quà cho bà con vùng lũ Quảng Trị.

"Đợt đó thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình mới trải qua đợt lũ lớn. Còn đồng bào ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa hứng chịu sạt lở nặng. Tôi và Wandi cùng một số anh em quyên góp rồi vận động thêm các nhà hảo tâm ủng hộ, mua hàng tấn lương thực chất đầy xe tải, tức tốc ra hỗ trợ bà con.

Chứng kiến Wandi không ngại lội bùn đất, xắn quần đi chân trần vào tận nhà dân để trao quà, tôi thực sự rất cảm kích. Thương cảm trước hoàn cảnh của các cụ già neo đơn ở vùng sạt lở, bão lũ, Wandi còn bỏ tiền túi để hỗ trợ thêm", anh Trí nói và thông tin thêm, đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát ở miền Trung, vợ chồng Wandi đã lặn lội vượt hàng trăm cây số lên các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để tặng cặp sách, bút thước, sữa cho học sinh nghèo.

Đặc biệt, trước tình cảnh đồng bào ở huyện biên giới Tây Giang thiếu nước sinh hoạt, cặp vợ chồng Thụy Điển có tấm lòng thơm thảo đã quyết định lắp đặt hệ thống lọc nước công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch ổn định cho hàng trăm hộ dân.

Thời điểm giữa năm 2021, TP Hội An tái bùng phát dịch COVID-19. Nhiều tháng trời thành phố thực hiện giãn cách xã hội là ngần ấy thời gian Wandi tất bật ngược xuôi với những chuyến vận chuyển lương thực, thực phẩm, hỗ trợ cho bà con nghèo Hội An và các vùng lân cận: Điện Bàn, Duy Xuyên...

Từ đó, hình ảnh ông Tây "cưỡi" chiếc xe máy 50 phân khối chở đầy ắp mắm, muối, cá khô…đi gửi trao yêu thương đã in đậm trong tâm trí của người dân địa phương với niềm cảm kích lớn lao.

Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam - 3

Chị Nishte – vợ Wandi, vào bếp nấu cơm và trao tận tay cho những lao động yếu thế.

Không thường xuyên theo chân chồng trên những chặng đường xa xôi, song hình ảnh Nishte cũng trở nên rất đỗi thân thương trong mắt bà con phố cổ Hội An. Trước thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội (ngày 31/7/2021), suốt nửa tháng trời, hằng ngày, Nishte cùng Wandi đèo nhau đi chợ, xắn tay áo vào bếp, hỗ trợ nhóm của Trang Quốc Trí nấu hàng ngàn suất ăn dành cho lao động nghèo.

Thời điểm cuối năm 2021, trung bình mỗi tháng 2 lần, vợ chồng Wandi chuẩn bị hơn 100 suất cơm và phát miễn phí cho các chú xe ôm, cô bán vé số, bác lao công...Dù không nhiều nhưng cũng phần nào san sẻ bớt gánh nặng cho những lao động yếu thế.

Chứng kiến vợ chồng chị Nishte xắn tay áo vào bếp nấu nướng và gửi trao tận tay những suất cơm nghĩa tình, nhiều người nghèo ở phố Hội không cầm được nước mắt vì cảm động.

"Thụy Điển là xứ sở của chúng tôi. Tất nhiên một ngày nào đó, cả gia đình sẽ quay trở lại. Còn hiện tại, nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục đóng góp cho Việt Nam", Wandi xúc động chia sẻ và nhấn mạnh, vợ chồng anh luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Trở lại Việt Nam, hai cựu binh Úc dốc công dựng trường

Không chỉ trở thành gương mặt thân quen với bệnh nhân, người lao động nghèo ở Hội An, nhiều năm qua, Ken Marsden (75 tuổi, quốc tịch Úc) còn chung tay xây 13 ngôi trường tại vùng núi Quảng Nam.

Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam - 4

Ken Marsden ân cần trao suất cơm cho người bệnh.

Gạt bỏ lớp bụi thời gian, lội ngược dòng chảy của hồi ức, Ken nhớ lại lần đầu đặt chân đến đất nước hình chữ S từ xứ sở Kangaroo xa xôi, năm 1967. Khi đó Việt Nam đang trong cuộc chiến khốc liệt với đế quốc Mỹ.

“Đất nước của các bạn lúc bấy giờ chìm trong tiếng súng, tiếng bom. Tôi tham chiến nhưng kịch liệt phản đối chiến tranh và cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến những lần Mỹ dội bom xuống các vùng quê Việt Nam. Và tôi thấy thương người dân nơi này” - Ken bồi hồi kể.

Sau một năm sống giữa làn khói bom đạn, Ken trở về nước cùng ý nghĩ rằng một ngày gần nhất có thể, ông sẽ trở lại. Dự định đó được ấp ủ suốt gần 40 năm. Vào năm 2006, Ken Marsden mới trở lại. Lúc này, đất nước Việt Nam trong trái tim ông đã “thay da đổi thịt”.

“Tôi yêu đất nước này, đặc biệt là những đứa trẻ. Đó là lý do tôi tình nguyện sang đây và sẵn sàng góp sức mình để nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

“Sau 30 năm công tác trong ngành bưu điện, ngay khi nghỉ hưu, tôi quyết định trở lại Việt Nam như đã hứa. Tôi bắt đầu cùng nhóm bạn thực hiện cuộc hành trình khám phá các danh lam thắng cảnh từ Bắc vào Nam của đất nước các bạn. Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở phố cổ Hội An và tôi gắn bó với mảnh đất yên bình này hơn 10 năm qua”, Ken bộc bạch.

Lần thứ hai sang Việt Nam, Ken có quỹ thời gian 3 tuần. Và trong vài ngày ngắn ngủi lưu trú ở phố cổ Hội An, ông tình cờ biết đến mái ấm dành cho trẻ mồ côi.

Chứng kiến lũ trẻ nheo nhóc khi thiếu thốn tình thương của cả cha lẫn mẹ, Ken nghẹn ngào. Giữa lúc mạch xúc cảm đang dâng trào, ông nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho bọn trẻ.

“Ngay hôm sau, tôi đạp xe đi mua quần áo, sách vở, bánh kẹo cùng một số đồ dùng khác và chở thẳng đến chỗ bọn trẻ. Tôi muốn hỗ trợ để các em có điều kiện vật chất tốt hơn nhằm bù đắp một phần nào đó nỗi bất hạnh khi không được cha mẹ ở bên chăm sóc”, Ken chia sẻ.

Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm 2 lần (tháng 3, 4 và tháng 8, 9), Ken lại sang Việt Nam, thực hiện sứ mệnh gieo mầm xanh thiện nguyện trên đất nước mà ông vẫn đặt ở vị trí trang trọng trong tim mình.

Đặc biệt, sau nhiều năm lui tới Hội An, năm 2013, Ken tình cờ kết giao với anh Huỳnh Đắc Thanh – chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện Ong Vàng. Kể từ đây, đều đặn mỗi tuần 2 lần trong 4 tháng lưu trú tại Việt Nam, Ken cùng các thành viên Ong Vàng có mặt ở các bệnh viện, mái ấm tình thương, thậm chí dọc các cung đường trong phố cổ để trao hàng trăm suất cơm nghĩa tình cho bệnh nhân nghèo, lao động khó khăn.

Nhắc đến Ken, anh Huỳnh Đắc Thanh nhận xét: “Ông ấy là một người giàu lòng nhân ái. Các chương trình từ thiện của câu lạc bộ đều được ông hưởng ứng và hỗ trợ rất nhiệt tình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, ông đã cùng nhóm dựng xây nhiều ngôi trường cho trẻ vùng cao ở Quảng Nam”.

Ken nhẩm tính, 6 năm qua, ông tự nguyện hỗ trợ xây tổng cộng 13 ngôi trường ở 2 huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My.

“Tôi yêu đất nước này, đặc biệt là những đứa trẻ. Đó là lý do tôi tình nguyện sang đây và sẵn sàng góp sức mình để nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chắc chắn, hành trình thiện nguyện của tôi tại đất nước các bạn sẽ còn kéo dài, bởi lẽ Việt Nam luôn ngự trị trong trái tim tôi”, Ken giãi bày.

Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam - 5

Ngôi trường một thời xập xệ nay trở nên khang trang nhờ Roy Erle Hornsby cùng vợ mình là bà Phan Thị Thu Lan.

Cũng như Ken, Roy Erle Hornsby (quốc tịch Úc) sang tham chiến ở Việt Nam từ năm 1969 đến 1970, đóng quân ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Về nước, ký ức những ngày sống giữa làn khói bom đạn, cảnh tượng chết chóc ở Việt Nam vẫn đeo đẳng, ám ảnh Roy khôn nguôi. Ông ăn năn, sám hối vì sự góp sức của mình trong cuộc chiến phi nghĩa và cảm thấy có lỗi với đất nước, con người Việt Nam.

Năm 2003, Roy quay lại Việt Nam làm giảng viên thiết kế website, lập trình viên ở Đại học Quốc tế RMIT (Quận 7, TP.HCM). 4 năm sau, ông quen bà Phan Thị Thu Lan và nên duyên chồng vợ. Điều đặc biệt, cả hai đều là người đam mê xê dịch. Đó là lý do nhiều năm trời họ thực hiện các chuyến rong ruổi từ Bắc chí Nam.

Mãi đến khi Roy và bà Lan đặt chân đến phố cổ Hội An (năm 2014), cuộc phiêu lưu những tưởng kéo dài đến cuối đời mới dừng lại. Bởi một điều hết sức giản đơn, hai con người ở hai xứ sở đều có chung một tình yêu mãnh liệt với mảnh đất di sản hàng trăm năm tuổi này.

Tại Hội An, vợ chồng Roy mua mảnh đất ở phường Cẩm Châu rồi cất lên ngôi nhà nhỏ. Bà Lan làm nail ở chính ngôi nhà mình, còn Roy tiếp tục với công việc thiết kế website.

Trong một lần sang xã Cẩm Kim (năm 2018) - vùng thấp trũng bên kia sông Thu Bồn, vợ chồng Roy tình cờ chứng kiến một ngôi trường dột nát, cỏ dại mọc um tùm ở thôn Phước Trung. Hình ảnh ngôi trường xập xệ, bỏ hoang cùng câu chuyện người dân trong thôn phải đèo bồng con nhỏ vượt hàng cây số sang thôn khác để học, khiến bà Lan thổn thức.

Mang nỗi trăn trở giãi bày với chồng đêm hôm trước, ngay hôm sau, cả hai vợ chồng cựu binh Úc lại có mặt ở nơi rốn lũ của Hội An. Sau một hồi bàn bạc với chính quyền sở tại, rất nhanh chóng, dự án dựng lại mái trường mầm non Trúc Xanh được triển khai ngay trước thời điểm mùa mưa bão cận kề.

Cô Hứa Thị Hà - Hiệu trưởng nhà trường – xúc động nhớ lại: “Ngày ấy, nhờ hai vợ chồng ông Roy hỗ trợ kinh phí hơn 200 triệu đồng cùng sự chung tay góp sức của dân làng, ngôi trường được phục dựng với 2 phòng học và một gian bếp rộng rãi, khang trang.

Ngoài ra, ông Roy và bà Lan còn tự tay vun trồng những luống rau lang, cải, ngay phía trước sân trường. Nhờ vậy, việc trồng rau, củ, quả được các cô giáo duy trì tới tận bây giờ, đủ cung ứng cho hàng chục trẻ đang được nuôi dạy tại đây”.

Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam - 6

Sau khi góp công xây trường, thỉnh thoảng  bà Phan Thị Thu Lan lại sang thăm, tặng quà cho các em nhỏ.

3 năm qua, đều đặn mỗi tháng, vợ chồng Roy dành ra một khoản tiền để chăm lo cho bữa ăn của trẻ, bỏ tiền túi để thuê người chăm sóc vườn rau sạch trong trường. Thâm tâm Roy, ông coi đó như một sự bù đắp nhỏ nhoi cho bao mất mát, đau thương trong quá khứ.

“Trường được hỗ trợ xây dựng, tu sửa miễn phí nên chúng tôi chỉ thu tiền học phí trả cho giáo viên. Các khoản tiền ăn, cơ sở vật chất không phải đóng nên mức phí thấp hơn so với những trường tư thục khác. Nhờ vậy, phụ huynh có thể yên tâm gửi con để đi làm”, cô Hà chia sẻ thêm.

Không chỉ góp công phục dựng trường mầm non Trúc Xanh, thời gian qua, vợ chồng Roy còn kêu gọi nhiều nơi giúp đỡ xây dựng một khu vui chơi cho trẻ em trong khuôn viên nhà văn hóa xã Cẩm Kim, lắp đặt dụng cụ vui chơi cho trẻ em trong khuôn viên nhà văn hóa Phước Thắng, lắp đặt bể bơi di động tặng trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Kianh Foudaytion, thị xã Điện Bàn...

THANH BA

Theo vtc.vn
https://vtc.vn//ong-tay-ba-dam-gieo-mam-thien-nguyen-o-viet-nam-ar658999.html
Copy Link
https://vtc.vn//ong-tay-ba-dam-gieo-mam-thien-nguyen-o-viet-nam-ar658999.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
  • Bà Trương Mỹ Lan: Chỉ cần bán 10% tài sản đã thu được 500.000 tỷ đồng
    Tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng công ty định giá tài sản trong vụ án đã định giá chưa chính xác. Chỉ cần 10% tài sản là bất động sản đã thu được 500 ngàn tỷ đồng.
  • Nói dối vì...yêu
    Nhiều người luôn khăng khăng đòi sự thật và cho rằng sự trung thực, thật thà là giá trị làm nên sự bền vững của hôn nhân. Nhưng trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn mới thấy, đôi khi nói dối cũng là một biểu hiện của yêu thương một người.
  • Bầu cử ở Mỹ được đảm bảo an ninh ra sao?
    Việc đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ quan trọng chẳng kém lựa chọn trong các lá phiếu của cử tri. Với ứng viên Donald Trump và Kamala Harris, việc đảm bảo an toàn được thực hiện ra sao?
  • Nhiều nghệ sĩ quyền lực bỏ phiếu cho bà Harris làm tổng thống Mỹ
    Buổi vận động tranh cử của bà Kamala Harris tối 4/11 gây chú ý vì sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ quyền lực như ca sĩ Lady Gaga, ông hoàng nhạc Latin Ricky Martin, ca sĩ will.i.am...
  • Quên hết nỗi sầu ở Suôi Thầu
    Có một miền xinh đẹp hoang sơ ở Hà Giang mang tên Suôi Thầu. Nơi đây không có nhà cao tầng, khói bụi, tiếng còi xe... khiến ta như tạm quên hết những bộn bề của cuộc sống...
Đừng bỏ lỡ
Ông Tây bà Đầm gieo mầm thiện nguyện ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO