Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông) và Liên minh Giải trí và Sáng tạo ACE (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPA) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề: "Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam" sáng 21/7.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nội dung số gửi đơn lên Bộ TT&TT đề nghị xử lý vi phạm bản quyền trên mạng. Cùng với sự gia tăng các thiết bị điện tử, vi phạm bản quyền ngày càng tăng, trong đó vi phạm bản quyền nhức nhối nhất diễn ra trên các trang mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube…
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT. |
“Cục đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là vi phạm các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, gameshow, ca nhạc… Nhức nhối nhất là các trận đấu bóng đá ở các giải đấu lớn, hoặc các trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham dự. Chúng tôi đã xử lý hàng trăm kênh, trang web lấy lại nội dung trên các kênh phát sóng hợp pháp. Tuy nhiên xử lý vi phạm trong lĩnh vực này mất rất nhiều công sức vì họ có nhiều cách lách luật, khiến những người giám sát không phát hiện ra”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Lãnh đạo Cục cho biết đã hợp tác chặt chẽ với MPA, VTV và các nhà cung cấp nội dung số để bảo vệ bản quyền trên mạng, tuy nhiên mới dừng lại bước đầu. “Mong muốn sâu xa hơn là làm sao hợp tác để ra kết quả cụ thể, đó là hạn chế tối đa vi phạm bản quyền”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Giám đốc Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải cho biết, các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như: thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; sao chép nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên internet. Tính đến tháng 6/2022, Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đến trên 500 website vi phạm bản quyền.
Chuyên gia chia sẻ giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng. |
Các đại biểu đến từ cơ quan chức năng, các đơn vị cung cấp nội dung số và các chuyên gia quốc tế đã có ba phiên thảo luận các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng vi phạm bản quyền: Xây dựng và hợp tác trong việc đưa ra các giải pháp bảo vệ bản quyền;Tính hiệu quả của việc thực thi các giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm; Thông điệp giúp người xem thay đổi quan niệm và hành vi.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Trưởng Ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam nêu thực tế nhà đài gặp khó khăn khi đàm phán thương thảo bản quyền của giải bóng đá, do uy tín giảm sút vì xảy ra các vi phạm trên môi trường số. “Nếu VTV- cơ quan thuộc Chính phủ- không tự bảo vệ bản quyền thì còn dẫn tới hệ lụy khác là ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh số tại Việt Nam”, ông Vân nói.
Bà Celine Boyer, Trưởng phòng An ninh mạng của Tập đoàn Canal+ chia sẻ kinh nghiệm của Pháp để chống vi phạm bản quyền, trong đó có biện pháp chặn truy cập tên miền được triển khai từ đầu năm 2022. “Mục tiêu của các hoạt động chống vi phạm bản quyền các nội dung thể thao và điện ảnh là để ngăn chặn việc truy cập vào các nguồn nội dung lậu và khuyến khích người xem đến với các dịch vụ hợp pháp”, bà Celine Boyer nói.
Đối với tình trạng vi phạm ở Việt Nam, bà Celine cũng cho rằng, tuy việc chặn các trang web là quan trọng nhưng việc chặn các máy chủ phát lậu cũng vô cùng quan trọng. “Cuối cùng, để tăng nhận thức của cộng đồng, ngoài việc chặn tên miền chúng ta có thể chuyển hướng họ tới một trang web nêu rõ rằng trang web họ đang cố truy cập là trang web lậu và hướng họ tới những dịch vụ hợp pháp” bà Celine nêu.
Với tư cách nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Bùi Nguyên Hùng kêu gọi sự đồng hành và hỗ trợ của các đối tác nước ngoài giúp Việt Nam xử lý vi phạm đối với trường hợp máy chủ đặt ở nước ngoài. Ông cũng hy vọng các chủ sở hữu bản quyền đi cùng nhau để có thể bảo vệ, đấu tranh quyền lợi về bản quyền.
Thất thoát 348 triệu USD
Theo báo cáo của Media Partners Asia, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.
Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp.
Chuyên gia quốc tế cảnh báo, nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.