Ông Dương Công Minh gây dựng đế chế Him Lam, Sacombank như thế nào

02/04/2024 12:21

Ông Dương Công Minh là doanh nhân có tiếng trong giới tài chính, bất động sản, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, cố vấn cao cấp HĐQT Bamboo Airways.

Doanh nhân Dương Công Minh từng kinh qua nhiều vị trí chủ chốt

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Năm 1984, ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành vật giá tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng làm sỹ quan, phục vụ trong quân đội.

Trước khi được biết đến là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, ông Dương Công Minh từng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản, như xuất khẩu chuối, thanh long, xoài. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, việc kinh doanh thua lỗ, đến mức phá sản.

Sau khi phá sản, ông Dương Công Minh phải làm thủ tục bán nhà để trả nợ. Thời điểm ấy, thủ tục bán nhà khá phức tạp và chi phí môi giới cao. Do vậy, để tiết kiệm chi phí, ông Dương Công Minh quyết định tự tìm hiểu thủ tục và tự làm. Cũng từ đó, ông đến với ngành kinh doanh dịch vụ nhà đất, rồi kinh doanh bất động sản sau này.

Năm 1994, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại Him Lam, doanh nghiệp tư nhân ngoài quốc doanh đầu tiên ở TPHCM, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ông sở hữu tới 99% vốn của Him Lam.

Sau này, Tập đoàn Him Lam không chỉ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như viễn thông, xây dựng đến sản xuất, thương mại dịch vụ, nhân lực, khai khoáng, tài chính - ngân hàng.

Riêng lĩnh vực ngân hàng, ông Minh từng gắn liền với thương hiệu Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank). Không chỉ nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank, ông Minh còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Liên Việt Holdings.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank. Ảnh: STB
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank. Ảnh: STB

Tuy nhiên, đầu tháng 6.2017, ông Dương Công Minh có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Cuối tháng 6.2017, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Sau khi tiếp quản ngân hàng, mặc dù lợi nhuận cao, giá trị cổ phiếu tăng nhưng Sacombank có nhiều năm liên tục không chia cổ tức.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức ngày 25.4.2023, Sacombank cho biết, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3.741 tỉ đồng. Cộng với 8.930 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, lũy kế Sacombank còn 12.672 tỉ đồng. Tuy nhiên Sacombank đã trình cổ đông phương án sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận này.

Tháng 8.2022, vị đại gia gốc Bắc Ninh đánh dấu sự hiện diện của mình tại hãng hàng không Bamboo Airways thông qua việc trở thành cố vấn cao cấp HĐQT. Tập đoàn FLC và Bamboo Airways có nhiều mối quan hệ vay nợ với Ngân hàng Sacombank do ông Dương Công Minh làm chủ tịch.

Gây dựng "đế chế" Him Lam như thế nào?

Kể từ ngày ông Dương Công Minh từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam (Him Lam Corp), trên trang website chính thức của tập đoàn himlam.com, bản tin ông Dương Công Minh tuyên bố từ chức vẫn được "neo" cao nhất trong chuyên mục "Tin thị trường".

Trong bài viết dẫn lời của ông Dương Công Minh: "Tôi sẽ từ chức khỏi vị trị Chủ tịch của Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank".

Dù vậy, ông Dương Công Minh vẫn là người có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với doanh nghiệp này.

Dữ liệu từ một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của Him Lam Corp đã là 45.655 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD), cao gấp 7 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2020, công ty này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 4.488 tỉ đồng. Năm 2021, doanh thu thuần của Him Lam Corp giảm về mức 2.222 tỉ đồng nhưng vẫn vượt trội so với giai đoạn 2016 - 2017.

Tổng tài sản của Him Lam Corp cũng "nở" mạnh đạt mức 96.598 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ USD) vào cuối năm 2021. Quy mô tổng tài sản của Him Lam Corp tại thời điểm này vượt xa Novaland (79.675,8 tỉ đồng) hay Sovico Group (55.056,6 tỉ đồng).

Riêng về Him Lam Land - thành viên phụ trách mảng phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh, mới đây đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với khoản lãi ấn tượng 2.379,7 tỉ đồng, cao gấp 13,8 lần so với năm 2021.

Trên bảng cân đối, tại thời điểm ngày 31.12.2022, quy mô vốn chủ sở hữu của Him Lam Land đạt 2.144,6 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nên có khả năng khoản lợi nhuận đột biến trong năm 2022 đã được Him Lam Land chia cho các cổ đông của công ty.

Ở thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Him Lam Land ở mức 16.900 tỉ đồng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ông Dương Công Minh gây dựng đế chế Him Lam, Sacombank như thế nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO