Phố ông đồ ở Cung Văn hóa Lao động (TP.HCM) đêm đầu xuân đông vui nhộn nhịp. Mặc kệ bao người qua lại, ông vẫn cứ 'hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay'. Những chữ vốn tạo được duyên cho người, những câu đối thể hiện chút an lành trong cuộc sống được ông chăm chút công phu.
Phố ông đồ ở Cung văn hóa Lao động (TP.HCM).
Ông là ông đồ Phan Thanh Sơn năm nay tròn 64 tuổi. Ông từng là Trung tá, giảng viên bộ môn Radar của Trường Kỹ thuật quân sự Trần Đại Nghĩa (Gò Vấp, TP.HCM). Tóc ông đã bạc. Nét mặt ông tươi vui, miệng luôn nở nụ cười. Chiếc khăn đóng và áo dài màu xanh đậm đã làm tăng vẻ lịch lãm hơn cho ông đồ.
Ông đến với thư pháp đã hơn 10 năm. Năm nào cũng thế, cứ Tết đến, ông vào chùa viết thư pháp tặng bà con. Ông đã từng ngồi tại chùa Tây Tạng trên đường Thích Quảng Đức, Bình Dương từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm trong 4 ngày liền để viết 700 bức liễn thư pháp.
Không thu nhập bằng nguồn thư pháp, những chữ do ông đồ Sơn viết ra nhẹ nhàng và thanh thoát. Ông nói, đã cầm cây bút làm ông đồ, vấn đề quan trọng hơn chữ viết là tác phong phải chuẩn mực.
'Ngoài kiến thức thông thiên văn rành địa lý ra, ông đồ còn phải nặng về đạo đức chân tâm. Nếu một người nào đó đến xin chữ Phúc mà bản thân anh thiếu đức thì làm sao có phúc? Không có phúc thì chữ phúc anh cho không còn linh hiển nữa.
Đến nay, ông Sơn đã có 10 năm viết thư pháp. Công việc này cho ông nhiều niềm vui trong những năm nghỉ hưu.
Tôi đến với thư pháp chẳng qua là chút duyên hơn là nặng nợ. Sau khi hưu trí, về nhà, thời gian rảnh rỗi không việc gì làm tôi buồn chán lắm. Tôi tìm đến thư pháp và cũng chính nhờ thư pháp đã giúp tôi thanh thoát hơn trong cuộc sống. Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương và có điều gì để hi vọng. Phải không anh?
Năm nay là năm đầu tiên tôi mở quầy thư pháp ở phố ông đồ. Cùng với tôi còn có nhiều quầy khác của những anh em cùng chung câu lạc bộ thư pháp với tôi. Tôi cũng đã từng đào tạo nhiều bạn trẻ để có lớp kế thừa khi chúng tôi không còn khả năng góp mặt với đời', ông đồ Phan Thanh Sơn nói.
Đây là một bức thư pháp ông Sơn vừa hoàn thành.
Ông cũng cho biết, viết thư pháp hay làm ông đồ ngày Tết cần có tâm. Chữ có đẹp, nét có hồn là nhờ vào tâm người viết. Thư pháp không phải là nghề mà là một trong nhiều bộ môn nghệ thuật. Hãy cho chữ những ai cần chữ bởi chữ còn có linh hồn.
'Người trồng cây hạnh người chơi - Ta trồng cây đức để đời mai sau'. Câu thư pháp ông viết cũng giúp chúng tôi hiều rõ ông hơn.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 28/01/2020
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/ong-do-10-nam-viet-thu-phap-tang-nguoi-sai-gon-610942.html?fbclid=