Sau mười năm, một làng chài xơ xác cát bụi đã hóa thân thành một thị xã biển đẹp, xanh. Ẩn sau sự chuyển đổi ấy là một người độc đáo: ông Phạm Văn Thìn với 10 năm làm chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò.
Ấn tượng còn lưu giữ trong ông Thìn là một Cửa Lò xác xơ cát bụi. Biển xanh hoang dã đầy rác thải. Dân làng chài từ người lớn đến trẻ em có tập quán đợi đến chiều tối ra biển ngồi phóng uế. Làng nghèo lác đác một vài lớp học xiêu vẹo. Bàn học kê bằng cây phi lao. Ghế ngồi kê bằng những đoạn cây mét. Học sinh thì quần đùi, chân đất, đầu trần. Năm 1994, thị xã Cửa Lò ra đời với qui mô năm phường, hai xã gồm 4,6 vạn dân trong diện tích 28.600ha. Dân đông hàng vạn nhưng năm 1996 tuyển nghĩa vụ quân sự thị xã không có ai trúng tuyển vì không một thanh niên nào học hết cấp III. Riêng phường Nghi Tân có hơn 1 vạn dân nhưng chỉ có 23 học sinh cấp I, II.
Những năm đó người dân Cửa Lò còn ngại ngùng chuyện ra sống gần với biển. Phường xã vận động mãi cũng không một ai hăng hái rời làng ra ở gần biển. Mới đây một công dân xã Nghi Hương trước khi di dời ngôi nhà của mình gần khu vực trụ sở thị xã (trả lại đất cho vùng qui hoạch Trung tâm du lịch thể thao Hồng Thái Síp rộng 18ha có vốn đầu tư 50 triệu USD), nhớ lại: “Hồi đó xã vận động dân ra ở vùng biển không được đành dùng biện pháp chỉ định. Gia đình tôi nằm trong diện chỉ định ra đây ở với nhiệm vụ trông coi bãi phi lao của hợp tác xã. Chả bù cho bây giờ mỗi vuông đất cát ở đây đều tính bằng đôla!”.
Đô thị xanh và hoa
Về Cửa Lò, ông Thìn “không hề bỡ ngỡ với công việc xây dựng thị xã Cửa Lò mặc cho điểm xuất phát bằng 0”. Vì mười năm làm phó văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An và tiếp theo là mười năm làm trưởng ban đối ngoại tỉnh, ông đã đi tham quan nhiều nước trên thế giới, học hỏi được một số kinh nghiệm làm kinh tế, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị biển. Ông chỉ đau một nỗi “lúc về Cửa Lò mới biết một thời làm cán bộ tỉnh mình quá quan liêu với ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, vì lúc ấy đâu biết Cửa Lò chỉ là làng chài xác xơ toàn cát với phi lao”...
Sau khi nhận quyết định thành lập thị xã, việc đầu tiên ông làm là qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Cửa Lò. Đây là qui hoạch sớm nhất trong khi 19 huyện, thành thị của tỉnh Nghệ An kể cả thành phố Vinh lúc bấy giờ cũng chưa có qui hoạch. Theo ông, “đây là qui hoạch rất bài bản qua từng giai đoạn từ năm 1995-2000; 2005-2010-2020. Cái hay là qui hoạch bắt đầu khi môi trường tự nhiên của Cửa Lò chưa bị con người xâm lấn, còn hoang sơ 100%”. Để có qui hoạch ấy phải mất hai năm ròng nhưng ông Thìn không tốn một xu mà còn lãi lớn.
Ông kể: “Sau khi phân tích tình hình cơ bản, cơ cấu dân cư, còn hạ tầng thì không có gì phải phân tích (cười), tôi mời người bạn quen từ thời làm đối ngoại khi ấy là đại diện tổ chức phát triển du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc vào Cửa Lò nghỉ. Người bạn ấy cho rằng biển Cửa Lò đẹp và tương lai sẽ trở thành một thị xã du lịch biển tầm cỡ, nhưng hiện tại cơ sở vật chất còn quá tuềnh toàng. Lúc tôi đem những trăn trở trong qui hoạch của mình ra tâm sự thì người bạn hứa sẽ giúp tôi. Sau đó người bạn Liên Hiệp Quốc ấy về Hà Nội làm việc với một số bộ, ngành để họ cử sáu chuyên gia hàng đầu vào Cửa Lò nghiên cứu, khảo sát rồi viết liền tù tì trong sáu tháng. Làm xong họ còn tặng thị xã 115.000 USD”.
Bước đi thứ nhất trong qui hoạch là chiến lược về con người. Ông Thìn phân tích: “Du lịch không thể tách rời văn hóa. Muốn làm du lịch trời đất gì thì làm nhưng cộng đồng dân cư còn nhiều người mù chữ, nhiều trẻ em thất học là không thể thành công. Cho nên ưu tiên số 1 là phải phổ cập tiểu học trong năm 1996”. Nhiều giáo viên ở đây còn nhớ năm 1994 khi mới về làm chủ tịch, ông đã đóng góp 100 USD và vận động dân cùng góp vốn xây Trường tiểu học phường Nghi Tân. Đồng thời ông vận động Công ty Shell Bitumen VN cùng trợ giúp 10.000 USD xây trường học khi công ty này về liên hệ xây dựng cảng kho nhựa đường hóa học.
Từ trường điểm Nghi Tân, đến nay Cửa Lò đã có một hệ thống giáo dục gồm 34 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; từ trung tâm giáo dục thường xuyên đến trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng với gần 15.000 học sinh (trung bình ba người dân Cửa Lò có một người đi học), trong đó có 50% số trường đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Sau khi có qui hoạch, gần 200 dự án lớn nhỏ được triển khai, trong đó hơn 150 dự án đã thực thi làm nên hình hài một đô thị biển. Cách mời gọi dự án đầu tư của ông Thìn không phải chuyện “nói mồm” và cũng không phải ở thế “hạ chiếu” vì nếu như vậy thì chẳng ai dại gì bỏ tiền tỉ vào bãi biển toàn cát và phi lao.
Ông kiên quyết chỉ đạo thị xã chi hàng trăm tỉ đồng làm cơ sở hạ tầng hiện đại. Nghĩa là sau 10 năm các nhà đầu tư có thay đổi cơ cấu nhà cửa nhưng hạ tầng không thay đổi. Từ đây 170 khách sạn, hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ lần lượt mọc lên. Du khách về tắm biển Cửa Lò ngày càng đông. Riêng năm 2003 có tới 80 vạn người, doanh thu đạt con số khổng lồ - 200 tỉ đồng/1. 000 tỉ đồng tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Ông Thìn bảo: “Căng nhất là thuyết phục cho được các vị trong cấp ủy hiểu được sự bứt phá trong chính sách mời gọi đầu tư khi phải chi hàng trăm tỉ đồng làm hạ tầng, vì không dễ một lúc ai cũng hiểu thấu việc đầu tư cho du lịch. Tôi nghĩ du lịch là nghề chơi lắm công phu”.
Trong kinh doanh du lịch ở Cửa Lò, môi trường được đặt lên hàng đầu với những tiêu chí rất khắt khe vì ông chủ tịch đã quan niệm “môi trường là sự sống còn của du lịch”. Hiện độ phủ xanh của Cửa Lò ngang tầm với một khu du lịch nổi tiếng ở Singapore. Các đại lộ, đường ô bàn cờ đều thảm nhựa, có điện, có cây xanh và hoa. Hệ thống cấp thoát nước mưa và nước thải riêng biệt theo tiêu chuẩn châu Âu (riêng hệ thống cấp thoát nước đã ngốn 600 tỉ đồng). Ông cho biết: “Sắp tới Cửa Lò sẽ làm du lịch khám bệnh, bảo vệ sức khỏe. Sao cho du khách đến đây không chỉ tắm biển mà còn tìm thấy sự yên bình, xanh mát, sạch đẹp”.
Chân dung
Nhiều cán bộ thị xã Cửa Lò gọi ông Thìn là “nhà đối ngoại tài ba”. Một lần đi Na Uy về, ông mê mẩn mô hình nuôi cá dò trên biển vì 1ha cá dò đạt 2.000 tấn. Loay hoay mãi rồi ông cũng thực hiện được ước mơ nuôi 1ha cá dò ngoài đảo Ngư, kết quả thu được 90 tỉ đồng/năm. Sắp tới ông sẽ cho nhân rộng mô hình bằng 300ha ngoài đảo Mắt (cách đảo Ngư gần 30 hải lý). Ông nói thật mà như đùa: “Nếu 1ha cá dò được 90 tỉ đồng so với 1ha lúa được 30 triệu đồng, thì với 300ha cá dò thành công ở đảo Mắt sẽ giúp nông dân Nghệ An không phải nộp thuế nông nghiệp”.
Trừ thời gian đi công tác, không có ngày nào ông Thìn vắng mặt tại thị xã kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ. Là chủ tịch nhưng ông sống rất vui và cũng là một “cây” khôi hài thú vị. Một lần ông mời bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về dự đại hội cán bộ cốt cán của thị xã Cửa Lò.
Trong bữa cơm trưa người ta thấy ông Thìn hai tay cầm hai chai rượu (hai loại rượu khác nhau) đi chúc khách. Khách uống một, ông uống hai, ba. Bí thư hỏi: “Uống rượu thế lỡ say làm sao chiều họp được?”. Ông Thìn dừng chén trả lời: “Báo cáo bí thư, uống rượu say có bốn điều lợi. Một, uống say thường nói thẳng, nói thật. Hai, uống say thường nói đi nói lại cho nên nói rất kỹ. Ba, uống say cái xương cũng gặm đi gặm lại tránh được lãng phí. Bốn, uống say ra về là về thẳng nhà chứ không tạt ngang, tạt ngửa tiết kiệm được thời gian”. Nói vậy chứ chưa bao giờ người ta thấy ông chủ tịch Cửa Lò uống rượu bị say và chai rượu mà ông uống trong số hai chai hôm ấy là thứ rượu nhẹ hều!