Lúc xưa, tôi từng ước mơ thi vào trường báo chí để sau này làm nhà báo, nhưng không thực hiện được. Tôi trở thành sinh viên sư phạm với số điểm đỗ cũng đáng để tự hào, thoát khỏi làng quê, gia nhập vào đội quân trí thức.
Nhưng như một thứ duyên nợ, niềm đam mê viết lách cứ bám lấy tôi. Vui có, ấm ức có và gây xôn xao cũng có, khi một sinh viên dám viết bài tranh luận lại với một nhà báo tên tuổi về công tác đoàn trong trường đại học.
Cái máu ấy đã cuốn tôi đi khỏi nghề dạy học sau 5 năm gắn bó, mở đầu cho quãng đời làm báo đầy gian nan và cuộc sống rày đây mai đó của tôi và vợ con.
Đến nỗi "hũ rượu đào" 13 tuổi của tôi, từ 10 năm trước đã lên Facebook than vãn: “Gia đình tôi phiêu dạt theo cuộc đời lang bạt của ba”. Trong căn phòng trọ ở Khương Đình, người cha lang bạt ấy đã phải trải qua một đêm mất ngủ.
Ảnh minh họa: Bazaar
Nói thật, trước đây nếu không gặp phải những chuyện không hay thì bây giờ, chắc tôi cũng yên ổn như một đồng nghiệp nào đó ở quê. Cuộc đời đâu phải chông chênh đến vậy. Nhưng thôi, “ơn kẻ dữ, không ơn người lành”. Đành an ủi mình bằng câu nói muôn thở của cha ông và lấy chuyện con cái làm vui.
Đi nhiều, nói nhiều, tiếp xúc với nhiều người, tôi cũng thấm dần với nhiều cách quan niệm, định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Nhưng rồi vẫn thích nhất câu “hạnh phúc cũng mơ hồ như Thượng đế”, nghe được từ ông cậu lãng tử.
Ra Bắc, tôi tranh thủ đi Chí Linh, trèo lên Côn Sơn xem nơi cụ Nguyễn Trãi ẩn dật thế nào mà viết “Côn Sơn ca” hay thế! Triết lý sâu sắc mà cách nói dung dị, dễ nghe, dễ hiểu thế không biết. Nhà cao cửa rộng, tiền bồ bạc đống, hay ở nơi gò núi, ăn cơm rau, uống nước lã… suy cho cùng, trong cõi trăm năm, tất cả đều tan nát cùng cỏ cây.
Những người có ăn có học, trải đời, lẽ nào không biết cái đạo lý bình thường ấy. Vậy mà, vẫn lắm quan tham. Đất nước chứng kiến hàng loạt quan tham phải tra tay vào còng, bị quan tòa réo tên, xử lên xử xuống. Trăm tỉ, nghìn tỉ mà chi. Mua một chút thảnh thơi cuối tuần với bạn bè cũng khó.
Lang bạt mãi cuối cùng cũng trụ lại vì con. 50 tuổi mới có mái nhà đầu tiên mang tên mình. Lô này, lô kia chỉ toàn cho cỏ mọc. Dẫu chẳng xênh xang như người, cũng được cái đầm ấm quây quần.
Bạn bè gặp nhau ai cũng bảo tôi hạnh phúc, khi chỉ vài tháng cuối năm 2023 này, đã dựng vợ gả chồng cho cả hai đứa con, trong khi con họ đã trên ba nhăm mà còn chưa nghe hơi hám gì.
Ảnh minh họa: Bi Chen
Ai cũng bảo con trai giống tôi, nhưng đẹp trai và phong độ hơn nhiều. Điều đó thì khỏi phải bàn. Nhà tôi toàn người cao mét rưỡi, không biết con giống ai mà cao lớn, nhanh nhẹn, tự tin, sành điệu. Nên chuyện con trai lấy vợ ở tuổi 30 cũng bình thường!
Thú thật, đến giờ, sau hơn 30 năm lấy vợ, tôi vẫn chưa quên cái cảm giác sung sướng khi đánh bật được những đối thủ lảng vảng bên "con gái rượu" của ông thầy dạy địa lý. Mình có chi mô. Mỗi cái xe đạp và tài nói chuyện từ sáng đến chiều mà thầy không chán, phải mời ở lại ăn trưa.
Người ta ra thủ đô là chức này chức nọ, mình chỉ an phận viết báo. Cuối cùng, chỉ những cái chức do con cái phong cho là bền vững nhất. Chỉ mấy ngày nữa là hoàn thành chuyện cưới xin của các con.
Khi đang lo cho con trai lấy vợ, thì "hũ rượu đào" lên tiếng “nhà trai muốn cưới cuối năm nay”. Tôi cười “làm luôn”. Vợ tôi ôm con gái khóc nấc “sao vội thế con”. Con gái tỉnh bơ "không thích thì 2 năm nữa cưới, có sao đâu, con còn nhỏ mà”. Ừ mà nhỏ thật. Mới 24 tuổi mụ.
Nhưng nghĩ lại, chuyện yêu đương, gặp duyên phải lứa thì cứ thuận gió đẩy thuyền, gió đưa thì thuyền chạy. Quan trọng là bọn trẻ cũng đồng ý cưới, chứ chả ép dầu ép mỡ gì! Với lại, nhà nào cũng toàn người cao tuổi. Nói dại, lỡ các cụ có mệnh hệ gì thì lại bắt bọn trẻ chờ à. Thế là tôi chấp thuận.
Bạn bè bảo đón một đưa một là hòa, là đẹp. Vậy mà sao tôi vẫn thấy như mình hụt hẫng, buồn hơn một chút khi phải sắp dắt con gái giao cho người khác!
Con gái tuổi Thìn, Canh Thìn. Người ta hay nói canh là “canh cô mồ quả”. Tôi nghĩ, chắc cũng là thuận miệng, chứ chả có căn cứ gì. Mới ra đời đã chịu thiệt.
Ngày con lớn ra đời, tôi còn đi mua cho mẹ được bát bún giò, rồi ngồi chờ tin có con trai. Đêm con gái ra đời cuối tiết xuân năm 2000, thằng tôi còn mãi miết tận đâu. Ông anh bạn thấy mấy mẹ con bà cháu dắt nhau đi trong đêm, chở hộ vào bệnh viện.
Biết phận, bé Rồng con cứ thế theo mẹ lớn lên, ngoan ngoãn học hành và nghe lời ba mẹ. Cũng từng nuôi mộng bay xa tận trời Tây. Nhưng tôi đùa “công việc tốt không bằng kiếm được chồng tốt con ạ".
Giờ nghĩ lại thấy mình chẳng sai. Nhiều nhà cho con gái đi học nước ngoài, rồi con đòi ở lại. Nếu con chịu về nước thì lại đòi sống kiểu hiện đại, sống thử, yêu đương mãi mà chẳng chịu lấy chồng sinh con vì sợ bận bịu, sợ xấu, sợ cuối tuần không được đi quẩy với bạn bè.
Nhớ lại cái Tết 4 năm trước, con gái dắt đến một anh chàng cao lớn, điển trai, hiền lành, từ tốn. Gia đình nội ngoại, bố mẹ đều công chức, riêng bố làm trong quân đội. “Sau này ra sao chưa biết. Nhưng cái hồ sơ này đáng tin. Ba duyệt nhé!”.
Mới hôm nào con gái ra Hà Nội ở trọ với ba, vậy mà vèo một cái, mấy ngày nữa là phải nắm tay con đi giữa hàng trăm con mắt. Nghĩ đến giây phút ấy, lòng mình cứ nôn nao!
Lan man mãi chuyện con cái, thế mà cũng đã hết năm.
Thấy con bé có chút giống ba, yêu văn chương, bình thơ tình làm xao xuyến lòng người, đành chỉ biết mượn thơ của đàn anh để dặn: “Yêu thơ cùng với yêu hoa. Nhưng đừng yêu quá như là bố yêu”, xem như nhắc nhở con gái ngày đi lấy chồng vậy!
Theo VietNamNet