Theo thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, khoảng thời gian ôn thi nước rút là giai đoạn quyết định rất lớn đến điểm số của sĩ tử.
Nắm chắc câu hỏi cơ bản
Dựa vào cấu trúc đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học, thầy Hiền nhận định: “Ma trận đề thi có đến 70% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và 30% ở mức vận dụng đến vận dụng cao. Như vậy với học sinh khá hoàn toàn có thể đạt ít nhất 7-8 điểm, học sinh giỏi có thể đạt từ 9 điểm trở lên”.
Theo thầy Hiền, để đạt được 9 điểm trở lên, trước tiên học sinh cần làm đúng những câu nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Còn khoảng 10% những câu cuối đề là những câu vận dụng cao, câu hỏi dành cho học sinh khá giỏi tập trung vào bài toán tích hợp Quy luật di truyền, Di truyền phả hệ, Di truyền quần thể.
“Với những câu hỏi này, học sinh cần giải quyết chính xác mỗi bài tập trong 5 phút. Do đó, học sinh đang ở mức giỏi, thường xuyên luyện đề từ 9 điểm trở lên, cần song song cải thiện độ chính xác ở câu dễ để không mất điểm oan, đồng thời luyện đều đặn các câu hỏi khó, tự gia tăng áp lực thời gian. Từ đó, tăng độ nhuần nhuyễn trong tư duy và kỹ năng tính toán chính xác”, thầy Hiền phân tích.
Thầy Hiền cũng lưu ý thêm, giá trị mỗi câu hỏi là như nhau, câu khó hay dễ đều là 0,25 điểm nên học sinh cần xác định rõ câu hỏi nào cũng quan trọng như nhau, không được chủ quan với bất kỳ kiến thức nào cho dù bạn đang ở trình độ nào.
Ưu tiên ôn tập lý thuyết
Trên cơ sở phân tích mức độ và điểm số của các câu hỏi trong đề tham khảo, thầy Hiền đưa ra phương pháp ôn luyện giúp học sinh nắm chắc kiến thức và cải thiện điểm số như sau:
Thứ nhất, học sinh nên ưu tiên ôn theo từng chuyên đề, sau đó mới đến luyện đề; ưu tiên ôn lý thuyết trước mới đến bài tập. Bởi lẽ, phần lý thuyết chiếm khoảng 65% bài thi, chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Các chuyên đề lý thuyết trọng tâm là Cơ chế di truyền và biến dị, Tiến hóa, Sinh thái, Động vật, Thực vật.
Với lý thuyết, học sinh cần bám sát sách giáo khoa cơ bản kết hợp với tự ôn tập lại theo sơ đồ tư duy, không nên sử dụng sơ đồ tư duy trên mạng để học mà chỉ để tham khảo cách trình bày. Theo thầy Hiền, lý thuyết môn Sinh học khá phức tạp, từ ngữ gây nhiễu khá nhiều nên việc bám sát sách giáo khoa sẽ giúp học sinh không bị hoang mang khi làm bài. Để nắm vững lý thuyết, học sinh cần ôn tập các câu hỏi thông hiểu kết hợp với giải thích, so sánh các câu hỏi đó.
Với bài tập tính toán, thường tập trung ở chuyên đề Quy luật di truyền. Chuyên đề này có các câu hỏi bài tập tính toán từ mức thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao.
“Học sinh cần phân chia các dạng bài tập tương ứng với từng quy luật di truyền, dấu hiệu nhận biết của từng dạng là gì, với dữ kiện kiểu này thì giải quyết bài toán như thế nào, cần phân chia các trường hợp dữ kiện bài toán để tìm ra hướng giải”, thầy Hiền nêu rõ.
Bên cạnh đó, học sinh cần luyện các bài tập của mỗi chuyên đề từ dễ đến khó, ít nhất 50 câu của mỗi chuyên đề. Từ đó sẽ giúp học sinh hình thành lối tư duy, phản xạ nhạy bén.
Thứ hai, kết hợp song song luyện đề và tổng ôn. Ở giai đoạn này học sinh có thể luyện ít nhất 2 đề/tuần tùy theo thời gian và năng lực mỗi học sinh. Khi luyện đề ở nhà các em có thể giảm 5 phút so với thực tế để làm quen với áp lực, có thể mở nhạc xung quanh để luyện sự tập trung.
Một lưu ý quan trọng trong phương pháp này, đó là học sinh không được coi luyện đề là một cách ôn tập kiến thức. Luyện đề là luyện kĩ năng giải đề, là bài kiểm tra để đánh giá lại kiến thức đã học được. Sau khi phát hiện lỗ hổng trong quá trình luyện đề, học sinh phải quay lại bước tổng ôn, xem lại kiến thức, tại sao mình sai, khắc phục như thế nào.
Một số lưu ý quan trọng
Theo thầy Hiền, ôn tập trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa là cơ hội vừa là thách thức cho học sinh. Việc học sinh phải nghỉ học ở nhà có thể là “cái bẫy thời gian” vô cùng nguy hiểm khi thiếu đi áp lực trường lớp, thiếu đi không khí ôn tập của bạn bè xung quanh. Lúc này, khả năng tự học, ý chí quyết tâm sẽ quyết định thành công của các bạn.
“Chúng ta không được dễ dãi với bản thân, duy trì cường độ học, thậm chí tăng lên. Không được có tâm lý lùi kì thi do dịch, chuẩn bị tinh thần như ngày mai là ngày thi vậy. Ôn tập theo phương hướng, lộ trình mà giáo viên và bản thân đã đưa ra, kiên định với mục tiêu, quyết tâm đạt được mục tiêu bằng được”, thầy Hiền nhắc nhở.
Ngoài ra, học sinh cũng nên giảm tối đa mạng xã hội, vì đây là kênh thông tin nhiều chiều, dễ gây hoang mang và phân tán thời gian ôn tập.
Mặt khác, trong giai đoạn ôn thi nước rút này, nhiều học sinh hoang mang do có tâm lý chờ đợi, ít quan tâm đến vấn đề ôn tập từ đầu năm. Điều này dẫn đến việc gần đến kì thi, các em mới lao vào ôn tập và không biết bắt đầu từ đâu, thấy bất kì tài liệu nào xung quanh cũng nghĩ rằng có ích, ôn tập tràn lan, không hiệu quả. Lời khuyên cho vấn đề này là học sinh cần xác định rõ bản thân đang ở đâu, hổng kiến thức ở phần nào và ưu tiên ôn tập chắc chắn những phần kiến thức dễ đạt điểm hơn.
Tuy rằng việc ôn thi là vô cùng quan trọng nhưng học sinh cũng cần phải giữ sức khỏe, bổ sung năng lượng bằng cách dành thời gian thư giãn vào tối cuối tuần để não bộ có khoảng thời gian nghỉ ngơi. Qua đó duy trì sự tỉnh táo trong suốt quá trình ôn luyện và thi cử.
Minh Khôi