'Ôm mộng' bỏ đại học: Không phải ai cũng thành công như Bill Gates

13/08/2023 21:45

Câu chuyện 'bỏ học thành tỷ phú' đã góp phần làm gia tăng chủ nghĩa hoài nghi giáo dục, khiến không ít người trẻ nghi ngờ về vai trò của giáo dục chính quy, đặc biệt là giáo dục đại học. Tuy nhiên hành trình của Bill Gates chỉ là ngoại lệ hiếm hoi.

Diễn ngôn về thành công của tuổi trẻ, một cốt truyện thường được nhắc đến: Một sinh viên bỏ học đại học đã bất chấp mọi khó khăn và thành công vang dội. Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, có lẽ là minh chứng nổi tiếng nhất của hiện tượng này.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải hiểu rằng hành trình của Bill Gates chỉ là ngoại lệ hiếm hoi chứ không phải quy luật tất yếu của tất cả những người bỏ học. Không phải ai bỏ học ĐH cũng thành công hay trở thành tỷ phú như Gates.

Trên thực tế, có vô số con đường mà những người bỏ học đại học có thể đi, mỗi con đường đều có những thách thức và thành công riêng.

Huyền thoại "bỏ học thành tỷ phú" làm nảy sinh chủ nghĩa hoài nghi giáo dục

Câu chuyện về tỷ phú bỏ học thu hút sự chú ý của dư luận bởi vì nó thể hiện ý tưởng về những người bất tuân những chuẩn mực truyền thống và đạt được thành công to lớn nhờ những phương tiện độc đáo.

Câu chuyện của Bill Gates thường được "lãng mạn hóa", "thần thoại hóa" như một biểu tượng của sự phá cách đi kèm với quyết tâm và tư duy đổi mới.

Năm 20 tuổi, Bill Gates rời bỏ sự nghiệp học hành tại ĐH Harvard và bắt đầu sáng lập nên Microsoft. 

Ở chiều hướng tiêu cực hơn, ông trở thành hình mẫu của không ít người theo chủ nghĩa hoài nghi giáo dục. Những người này cho rằng nếu các tỷ phú có thể đạt được thành công và thịnh vượng mà không cần bằng cấp đại học, thì bằng cấp cũng không cần thiết với họ.

Hình mẫu "bỏ học thành tỷ phú" thôi thúc nhiều người trẻ rời bỏ giáo dục chính quy quá sớm, nuôi mộng trở thành Bill Gates thứ 2, thứ 3, thứ n để rồi không ít người mất định hướng và tiến thoái lưỡng nan.

Tuy nhiên, câu chuyện truyền cảm hứng trên đã bỏ qua thực tế rằng hoàn cảnh đặc biệt của Bill Gates, cùng với năng lực, sự cống hiến vô song và khả năng tiếp cận các nguồn lực, đã đóng một vai trò quan trọng trong thành công của ông.

Thực tế, bản thân Bill Gates là con nhà "trâm anh thế phiệt". Cụ cố nội ông là người sáng lập Ngân hàng Quốc gia thành phố Seattle. Mẹ Mary Gates là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều hành United Way, quản trị viên một trường đại học, giám đốc Ngân hàng West Coast.

Bố William H. Gates là một nhân vật được kính trọng và luật sư thành đạt, giữ chức chủ tịch công ty luật Preston Gates & Ellis (nay là K&L Gates)- một trong những công ty luật nổi tiếng nhất ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Bill Gates là một thiên tài bẩm sinh. Năm 10 tuổi, cậu bé đã đọc nhuần nhuyễn cuốn bách khoa toàn thư. Ở độ tuổi 11, Gates thuộc lòng nhiều chương của cuốn kinh thánh Gospel và tự mình lập trình trò chơi trên máy tính.

Ông đã đạt được số điểm gần như hoàn hảo SAT (bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi để tuyển sinh đại học ở Mỹ) là 1590/1600, với số điểm tuyệt đối là 800/800 trong phần Toán và 790/800 phần Viết, Đọc hiểu.

Năm 1986, ở tuổi 31, Bill Gates trở thành tỷ phú khi Microsoft phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Kể từ đó, ông luôn đứng top đầu danh sách những người giàu nhất nước Mỹ, theo tạp chí Forbes.

Có thể thấy, với trường hợp của Bill Gates, trường lớp chỉ đóng một vai trò là một trong nhiều phương tiện để ông lựa chọn nhằm hiện thực hóa ước mơ và tầm nhìn của mình. Việc ông thành công và tạo được dấu ấn chỉ là chuyện "một sớm một chiều".

"Tôi là một tấm gương xấu"

"Tôi đã học mọi thứ nhưng chưa bao giờ đứng đầu. Nhưng ngày nay, những người đứng đầu của các trường đại học tốt nhất là nhân viên của tôi", Bill Gates đã nêu bật thực tế tại tập đoàn của ông.

Nhưng chính ông cũng thừa nhận: “Một tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn là con đường chắc chắn và an toàn hơn để dẫn đến thành công”.

“Một tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn là con đường chắc chắn và an toàn hơn để dẫn đến thành công”- Bill Gates phát biểu tại lễ tốt nghiệp Harvard.

Năm 2007, Bill Gates được Harvard trao bằng cử nhân danh dự. Phát biểu tại lễ tốt nghiệp, Gates hóm hỉnh chia sẻ: "Tôi là một tấm gương xấu. Đó là lý do vì sao tôi được mời đến đây. Nếu tôi chia sẻ trong buổi định hướng khi các bạn mới vào trường, chắc một số bạn sẽ không ngồi đây".

Ông cũng khuyến khích sinh viên chấp nhận rủi ro, sẵn sàng học hỏi từ những thất bại và sử dụng các kỹ năng của mình để tạo ra tác động tích cực đến thế giới.

Hành trình từ một sinh viên bỏ học trở thành tỷ phú của Bill Gates là đáng khâm phục nhưng không nên là điểm tựa thôi thúc sinh viên bỏ học. Thực tế là hoàn cảnh gia thế "bệ đỡ" đặc biệt, năng lực và kỹ năng nổi bật, biết nắm bắt thời điểm và sự may mắn đều đóng vai trò then chốt trong thành công của ông.

Việc bỏ học đại học nhưng vẫn đảm bảo được sự giàu có của một số rất ít những người như Bill Gates đã phần nào đó đơn giản hóa quá mức bản chất nhiều mặt của thành công, hạ thấp tầm quan trọng của giáo dục cũng như các yếu tố khác góp phần tạo nên thành tựu của một con người.

Tôn vinh thành tích và học hỏi những cá nhân như Bill Gates hay Mark Zuckerberg, hãy nhớ rằng thành công đến dưới nhiều hình thức khác nhau và hành trình của mỗi người là duy nhất.

Tử Huy

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Ôm mộng' bỏ đại học: Không phải ai cũng thành công như Bill Gates
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO