Nhà văn Edmondo De Amicis (người Italy) từng viết trong cuốn sách nổi tiếng Những tấm lòng cao cả rằng: “Trình độ giáo dục của một dân tộc có thể được đánh giá qua thái độ của con người trên đường phố". Thật buồn khi nhìn thấy những gì mà một bộ phận không nhỏ người Việt Nam chúng ta thể hiện ở trên đường.
Rất thường thấy cảnh người đi bộ vừa bước xuống vạch kẻ để băng qua đường khi đèn ưu tiên dành cho họ bật lên, đã sợ đứng tim vì xe máy, ô tô ở cả mấy chiều vẫn ầm ầm xông tới với thái độ rất hậm hực. Đa số họ nghĩ, người đi bộ sai, còn họ mới đúng.
Nhiều tài xế còn tức giận bóp còi như cảnh cáo, xua đuổi họ trở lại vỉa hè. Và quả thật, một số người cao tuổi, người yếu bóng vía đã hết hồn đứng im tại chỗ hoặc trở lại nơi họ chờ tín hiệu ưu tiên, không dám di chuyển tiếp.
Ở những điểm sang đường không có đèn tín hiệu, cảnh tượng còn khó coi hơn nữa. Nhóm đi bộ có khi đứng đến vài phút vẫn không thể lựa được thời điểm băng qua, vì hễ họ lò dò được vài bước trên vạch kẻ thì lại có xe máy, ô tô lao tới. Phải có người “to gan” dám dứt khoát băng qua đường thì các xe kia mới chịu giảm tốc độ, và những người đi bộ khác mới nhân cơ hội theo chân.
Tệ nhất là, người ta còn tranh cướp lượt đi với cả những đứa trẻ. Người viết bài này đã hơn một lần chứng kiến cảnh cô giáo mầm non dắt học trò xếp hàng sang đường, vậy mà có kẻ không chờ nổi, cố lách xe máy vào giữa các em bé, chỉ để đi nhanh hơn vài giây.
Kẻ nào không lao vào được giữa các em bé thì hậm hực rồ ga, bấm còi, khiến chiếc xe cứ rung rinh sẵn sàng cao độ lao về phía trước.
Có lẽ không ở đâu, người bị bộ bị bắt nạt như ở Việt Nam, dù luật quy định “tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ”.
Trong khi đó, không nói ở đâu xa xôi, ngay ở nước bạn Lào sát chúng ta, văn hoá nhường đường cho người đi bộ cũng rất rõ. Tất cả các xe dừng lại khi người đi bộ bước xuống dải vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.
Giữa những người lái xe máy, ô tô trên đường phố Việt Nam, sự giành giật để đi trước nhau vào giây lại càng “gắt”.
Khi đèn đỏ bật, một số xe phía trước vẫn lao lên, cố tranh thủ giành đường với những người ở chiều đèn xanh vừa sáng, gây ra cảnh rối loạn, thậm chí ùn tắc ở ngã tư, khiến chiều nào cũng khó lòng di chuyển.
Thời gian chờ đèn đỏ cũng là lúc những chiếc xe phía sau cố luồn lách để len lên trước, bất chấp việc đi sai làn hay ép xe khác cũng sai làn. Người đi đường quá quen với nụ cười đắc ý của những tài xế vượt được người khác nhờ sự ngang ngược và vi phạm luật.
Nhanh chậm một vài phút đâu đáng kể gì, nhưng người ta không muốn nhường đường cả cho những gia đình có đám tang dù người Việt có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Gặp đám tang nhiều người, xe trên phố, không ít tài xế tỏ rõ sự tức tối, hậm hực vì họ không thể lập tức luồn lách qua đám đông để vượt lên trên.
Cảnh tượng trên đường cao tốc, quốc lộ cũng cho thấy văn hóa nhường đường xa lạ với đa số lái xe. Đó là những tài xế cố tình lờ đi tín hiệu xin vượt của xe phía sau dù có đủ điều kiện an toàn. Họ không vội, nhưng cũng không thèm quan tâm người khác đang vội, cứ dềnh dàng giữa đường như cố tình trêu ngươi, thậm chí còn đi dưới tốc độ tối thiểu được quy định trên cao tốc.
Người Việt rất chú trọng nết ăn nết ở, đến việc “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, đến sự nhường nhịn, cư xử có trước có sau. Nhưng vì có lẽ vì đường sá là nơi hầu như chỉ có người lạ nên nhiều tài xế thoải mái thể hiện bản tính tranh đua, kèn cựa của mình dù có thể ở không gian khác, khi cần “diễn”, họ vẫn tỏ ra là văn minh, lịch sự.
Chính vì thế, đường sá là nơi con người thể hiện trung thực nhất về văn hóa ứng xử, nơi có thể nhìn rõ xã hội đã văn minh hay chưa.
Nhìn vào những gì diễn ra trên đường, nhất là nơi có mật độ giao thông cao, sẽ không quá lời khi nói ở Việt Nam gần như không có văn hóa nhường đường!