Tràn sang Việt Nam
Trung Quốc có 123 doanh nghiệp sản xuất ô tô với công suất khoảng 40 triệu xe mỗi năm. Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 22 triệu xe trong số này. Với tình trạng cung vượt xa cầu trong nước, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng thị trường ra toàn cầu.
Các hãng xe Trung Quốc đang đẩy mạnh tiếp cận các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á… Xu hướng ô tô Trung Quốc tràn ra thế giới có thể cảm nhận được ngay ở Việt Nam.
Trong năm 2023 nhiều hãng xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam như GWM (thương hiệu Haval), Geely (thương hiệu Lynk & Co), SGMW (thương hiệu Wuling Mini EV), Haima... Sắp tới sẽ có thêm một loạt hãng xe Trung quốc thâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là BYD, Chery (thương hiệu Omoda, Jaecoo) và GAC (thương hiệu Aion)…
Việt Nam là thị trường ô tô tiềm năng. Với dân số 100 triệu người, kinh tế ngày càng phát triển và thời kỳ ô tô hóa đang đến. Theo dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe vào 2023 và 1,5 triệu xe sau 2035. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra lộ trình đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Như vậy xe điện có tiềm năng lớn.
Trong khi đó Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về xe điện. Trong số có 123 doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Trung Quốc, doanh nghiệp nào cũng có ít nhất 1 mẫu xe điện. Công suất dư thừa nên mở rộng thị trường sang Việt Nam là hướng đi phù hợp.
Thách thức lớn
Tuy nhiên, bước chân vào thị trường Việt Nam, ô tô Trung Quốc gặp nhiều thách thức. Tâm lý của phần lớn khách hàng Việt Nam vẫn e ngại về chất lượng của ô tô Trung Quốc.
Với ô tô sử dụng động cơ đốt trong, người tiêu dùng vẫn tin cậy các thương hiệu của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Động cơ đốt trong do các hãng xe Trung Quốc phát triển bị đánh giá thấp. Linh hồn của một chiếc xe ô tô chính là động cơ. Động cơ không bền bỉ, kém tin cậy nhanh xuống cấp và tiêu tốn nhiên liệu thì chiếc xe sẽ chẳng có giá trị gì.
Với ô tô điện là thế mạnh của hãng xe Trung Quốc nhưng “bài toán” cũng rất nan giải. Những lô ô tô điện của hãng xe Trung Quốc BYD xuất khẩu sang châu Âu, gặp vấn đề về chất lượng, không thể thông quan là ví dụ. Bên cạnh chất lượng không đủ độ tin cậy thì hệ thống hạ tầng các trạm sạc tại Việt Nam chưa phát triển, cũng là yếu tố hạn chế. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn đầy hoài nghi và chưa thực sự sẵn sàng.
Thời gian qua, một số hãng xe Trung Quốc vào Việt Nam nhưng bán hàng rất chật vật. Có thương hiệu mới ra mắt khách hàng Việt vào nửa cuối năm 2023, đến nay doanh số bán chỉ dừng lại ở dưới 20 xe, trong đó đa số người mua cũng chính là người bán.
Theo các chuyên gia, thành công hay thất bại của ô tô Trung Quốc ở thị trường nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng, phụ thuộc vào hai câu hỏi: Các hãng xe có thể thuyết phục khách hàng vượt qua sự dè dặt, để mua ô tô thương hiệu Trung Quốc không? Và ô tô Trung Quốc có mang lại giá trị vượt trội cho người tiêu dùng, so với các đối thủ cạnh tranh không?
Theo Hải Linh/ Diễn đàn doanh nghiệp